Indonesia gồng mình chống cháy rừng, mất mùa do El Nino khắc nghiệt
Indonesia dự kiến sẽ có một mùa khô khắc nghiệt do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino, gây ra mối đe dọa đối với mùa màng, làm tăng nguy cơ cháy rừng và tình trạng khói mù.
Theo Reuters, bà Dwikorita Karnawati, người đứng đầu Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG), cho biết: “Nhìn vào dữ liệu chúng tôi có, El Nino sẽ bắt đầu vào tháng 6, ảnh hưởng đến hầu hết Indonesia và trở nên tồi tệ hơn cho đến tháng 9”.
Bà cảnh báo rằng El Nino sẽ gây ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng trên các đảo chính của Indonesia, với khả năng sẽ không có mưa hoặc chỉ có 30% lượng mưa thông thường.
“Điều này sẽ làm giảm lượng nước ngầm sẵn có, tác động đến nông nghiệp và tưới tiêu, mất mùa cũng như cháy rừng”, bà Karnawati nói, đồng thời kêu gọi các bên liên quan cần có biện pháp chuẩn bị để giảm thiểu rủi ro. "Chúng ta phải cực kỳ cẩn trọng”, bà nói.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Indonesia đã trải qua các vụ cháy rừng nghiêm trọng vào năm 2019, dẫn đến tình trạng khói mù lan rộng và gây thiệt hại khoảng 5,2 tỷ USD ở 8 tỉnh bị ảnh hưởng.
Những dấu hiệu ban đầu về thời tiết nóng và khô do El Nino gây ra đang gây báo động cho các nhà sản xuất lương thực trên khắp châu Á. Việc sản xuất dầu cọ và gạo, những mặt hàng quan trọng đối với Indonesia, Malaysia (cung cấp 80% lượng dầu cọ của thế giới) và Thái Lan, dự kiến sẽ bị ảnh hưởng do nguy cơ hạn hán.
Hậu quả kinh tế và môi trường
Một mùa khô khắc nghiệt do El Nino gây ra sẽ tác động trên nhiều mặt đối với mỗi quốc gia. Ngoài tác động bất lợi đối với ngành nông nghiệp và sản xuất lương thực, tình trạng khô hạn còn gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế và môi trường.
Việc mất đi nguồn nước ngầm do lượng mưa giảm sẽ làm trầm trọng thêm những thách thức mà người nông dân phải đối mặt, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tưới tiêu và dẫn đến mất mùa.
Đối với Indonesia, khô hạn cũng làm tăng nguy cơ cháy rừng, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học, hệ sinh thái và chất lượng không khí. Các vụ cháy rừng quy mô lớn vào năm 2019 đã để lại những tác động lâu dài đối với quốc gia Đông Nam Á này, cũng như các nước láng giềng là Singapore, Malaysia, Brunei và Thái Lan. Các chuyên gia cảnh báo, nếu những thảm họa như vậy tái diễn, nó có thể làm suy thoái môi trường, gây nguy hiểm cho động vật hoang dã và giải phóng khí nhà kính.