Trung Quốc giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong quý đầu năm

Quý 1/2025, Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê lớn thứ ba của Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), quý 1/2025, Trung Quốc nhập khẩu 48.307 tấn cà phê từ thế giới với giá trị 315 triệu USD, giảm lần lượt 41,7% về lượng và 8,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Brazil là thị trường nhập khẩu lớn nhất với 21.370 tấn tại quý 1/2025, đạt giá trị 133 triệu USD, giảm 51,3% về lượng và giảm 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu cà phê trung bình từ thị trường này đạt 6.228 USD/tấn, tăng 81,7% YoY.

Trong kỳ, lượng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5.845 tấn. Tuy nhiên, giá nhập khẩu cà phê trung bình lại tăng 78,9% so với cùng kỳ năm trước (lên 5.334 USD/tấn), kéo tổng kim ngạch lên mức 31,7 triệu USD, tăng 53,8% YoY.

Quý 1/2025, Trung Quốc chi 37,4 triệu USD để nhập khẩu 7.345 tấn cà phê từ Ethiopia, tăng lần lượt 104% về lượng và 124% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Cà phê nhập khẩu từ Indonesia cũng tăng 196% về lượng, lên 2.920 tấn; giá trị đạt 19,7 triệu USD, tăng 216% YoY; nhập khẩu từ Colombia 5.095 tấn cà phê với giá trị 43,04 triệu USD, giảm lần lượt 74% YoY và 53% YoY…

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Trung Quốc vốn là quốc gia tiêu thụ chè truyền thống, nhưng cà phê đang dần trở thành xu hướng văn hóa tiêu dùng đô thị, đặc biệt ở thế hệ trẻ và tầng lớp trung lưu. Không chỉ tìm đến các loại cà phê hòa tan đóng sẵn theo gói, người Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sản phẩm cà phê chế biến theo công thức hiện đại, chất lượng cao.

Dù lượng tiêu thụ cà phê của Trung Quốc chỉ bằng 1/4 so với Mỹ hay Brazil nhưng tốc độ tăng trưởng lại đạt mức hai chữ số mỗi năm. Trong 10 năm qua, thị trường cà phê Trung Quốc đã tăng trưởng kép trên 15%/năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trung-quoc-giam-nhap-khau-ca-phe-tu-viet-nam-trong-quy-dau-nam-41476.html