Indonesia muốn giảm thâm hụt ngân sách xuống 4.85% GDP vào năm 2022

Indonesia đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ mức 5,7% GDP trong năm nay xuống còn 4,85% GDP vào năm 2022.

Indonesia muốn giảm thâm hụt ngân sách xuống 4.85% GDP vào năm 2022. Ảnh minh họa: Reuters

Indonesia muốn giảm thâm hụt ngân sách xuống 4.85% GDP vào năm 2022. Ảnh minh họa: Reuters

Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ mức 939.600 tỷ rupiah (65,3 tỷ USD), chiếm 5,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay, xuống còn 868.000 tỷ rupiah, tương đương 4,85% GDP vào năm tới.

Mục tiêu thâm hụt ngân sách nói trên đã được Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đề cập trong bài phát biểu sáng 16/8 trước Quốc hội. Mục tiêu này cũng phù hợp với tỷ lệ 4,51-4,85% GDP được Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani nêu trong Chính sách kinh tế và tài khóa năm 2022 (KEM-PPKF) đệ trình lên Hạ viện mới đây.

Tổng thống Jokowi cho biết mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2022 là rất quan trọng nhằm củng cố tài khóa. Đến năm 2023, thâm hụt ngân sách nhà nước sẽ phải được điều chỉnh giảm xuống mức trần tối đa 3% GDP theo luật định.

Trước đó, Chính phủ Indonesia đã nới lỏng quy định về thâm hụt ngân sách nhà nước lên mức 6% GDP nhằm ứng phó với đại dịch và đặt mục tiêu giảm về mức tối đa 3% GDP vào năm 2023.

Người đứng đầu nhà nước Indonesia cho hay thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2022 sẽ được tài trợ bằng các nguồn tài chính an toàn và được quản lý cẩn trọng nhằm duy trì tính bền vững về tài khóa.

Tính đến hết quý I/2021, thâm hụt ngân sách nhà nước của Indonesia đạt 283.200 tỷ rupiah, cao hơn mức 257.800 tỷ rupiah vào cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 886.900 tỷ rupiah, trong khi chi ngân sách nhà nước lên tới hơn 1,17 triệu tỷ rupiah.

Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Jokowi đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nghèo đói xuống mức 8,5-9% vào năm 2022, thấp hơn mức 9,2-9,5% dự báo trong năm nay. Trong khi đó, Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) cho biết tính đến hết quý I/2021, tỷ lệ này ở mức 10,14%.

Cùng với mục tiêu giảm nghèo đói, ông Jokowi cũng đặt mục tiêu đưa mức độ bất bình đẳng thu nhập (chỉ số Gini) ở mức 0,376-0,378, thấp hơn mức chỉ tiêu 0,377-0,379 của năm nay; và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5,5-6,3%, so với mức mục tiêu 7,7-9,1% trong năm nay./.

Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/indonesia-muon-giam-tham-hut-ngan-sach-xuong-4-85-gdp-vao-nam-2022/207654.html