Indonesia siết nhập khẩu giày dép cũ

Sau phóng sự của Reuters, Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết sẽ thắt chặt kiểm tra tại các cảng nhỏ để trấn áp nạn nhập khẩu trái phép giày dép đã qua sử dụng.

Ngày 6-3, Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết sẽ thắt chặt kiểm tra hải quan tại các cảng nhỏ để trấn áp nạn nhập khẩu trái phép giày dép đã qua sử dụng. Trước đó, hãng tin Reuters đã công bố phóng sự điều tra về việc giày dép quyên góp cho một chương trình tái chế ở Singapore đã được chuyển đến Indonesia để bán lại.

Nhiều giày dép cũ quyên tặng cho chương trình tái chế ở Singapore được nhập vào Indonesia để bán lại. Ảnh: REUTERS

Nhiều giày dép cũ quyên tặng cho chương trình tái chế ở Singapore được nhập vào Indonesia để bán lại. Ảnh: REUTERS

Trong một tuyên bố có tiêu đề "Xóa bỏ bê bối nhập khẩu trái phép giày dép đã qua sử dụng", Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết sau phóng sự của Reuters, họ sẽ tăng cường kiểm tra tại các cảng để chặn những lô hàng giày dép cũ bất hợp pháp.

"Vụ việc này cho thấy việc nhập khẩu trái phép giày đã qua sử dụng được thực hiện một cách có tổ chức và là hành vi lạm dụng các dự án xã hội" - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita nói.

“Phải chấm dứt tình trạng nhập lậu giày dép đã qua sử dụng vì nó tác động xấu đến ngành da giày trong nước”, ông khẳng định.

Bộ Công nghiệp Indonesia cũng đang đề xuất các ưu đãi mới đối với các nhà sản xuất giày dép khi họ nhập khẩu nguyên liệu thô. Đồng thời, bộ này cũng áp dụng các quy định chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng dệt may.

Trước đó, hôm 25-2, Reuters đã công bố phóng sự cho thấy 10 đôi giày mà hãng tin này quyên tặng cho một chương trình tái chế đã được xuất sang Indonesia để bán lại. Chương trình tái chế này do công ty hóa dầu Dow của Mỹ và chính phủ Singapore điều hành.

Theo đó, những đôi giày được quyên tặng đã xuất hiện tại các chợ đồ cũ ở thủ đô Jakarta và ở Batam, một hòn đảo cách Singapore 19 km về phía nam.

Năm 2015, Indonesia cấm nhập khẩu quần áo và giày dép đã qua sử dụng do lo ngại về vệ sinh và để bảo vệ ngành dệt may nội địa.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/indonesia-siet-nhap-khau-giay-dep-cu-post722743.html