Indonesia tăng cường hợp tác quốc tế thông qua ngoại giao kỹ thuật số
Hôm qua (16/11), Indonesia tổ chức Hội nghị quốc tế về kỹ thuật số ngoại giao theo hình thức trực tuyến, trong đó nhấn mạnh thu hẹp khoảng cách phát triển kỹ thuật số trên toàn thế giới thông qua ngoại giao, đặc biệt là trong việc đối phó với đại dịch Covid-19.
Với chủ đề “Khám phá ngoại giao kỹ thuật số trong bình thường mới”, Hội nghị thu hút sự tham gia của 4.300 đại biểu từ 19 quốc gia.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia - bà Retno Marsudi cho biết: “Ngoại giao kỹ thuật số không thể thay thế ngoại giao trực diện. Tuy nhiên, ngoại giao kỹ thuật số sẽ vẫn tồn tại và thậm chí còn phát triển. Sử dụng kết hợp giữa ngoại giao trực tiếp và kỹ thuật số sẽ là hình thức mới sau đại dịch. Chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho điều này”.
Ngoại trưởng Indonesia đã truyền đạt 3 bước để chuẩn bị cho ngoại giao kỹ thuật số, bao gồm: xây dựng lòng tin vào ngoại giao kỹ thuật số với môi trường kỹ thuật số thuận lợi, không có các mối đe dọa an ninh mạng và duy trì quyền riêng tư của dữ liệu; làm cầu nối khoảng cách kỹ thuật số giữa các quốc gia và giữa các cộng đồng trong một quốc gia và cuối cùng là tối ưu hóa việc sử dụng ngoại giao kỹ thuật số để giải quyết các vấn đề toàn cầu khác nhau.
Hội nghị cũng đưa ra “Thông điệp Bali” về Hợp tác Quốc tế trong Ngoại giao Kỹ thuật số, trong đó xác định năm lĩnh vực trọng tâm chính, đó là: 1) Khung chính sách của Chính phủ để hỗ trợ Ngoại giao Kỹ thuật số; 2) Quản lý Khủng hoảng Thông qua Ngoại giao Kỹ thuật số; 3) Quản lý dữ liệu để hỗ trợ ngoại giao kỹ thuật số; 4) Đổi mới để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; và 5) Nâng cao năng lực và hòa nhập kỹ thuật số. Thông điệp Bali được kỳ vọng nhận được sự tham gia tự nguyện từ các quốc phù hợp với các điều kiện, nhu cầu và ưu tiên của chính sách ngoại giao kỹ thuật số mỗi nước, đồng thời khuyến khích sự hợp tác, tận dụng tiềm năng của ngoại giao kỹ thuật số vì sự tiến bộ của cộng đồng thế giới.
Tại hội nghị, đại diện từ 19 quốc gia đã truyền đạt kinh nghiệm và quan điểm về vai trò chiến lược của ngoại giao kỹ thuật số trong xử lý khủng hoảng, cũng như tiềm năng của ngoại giao kỹ thuật số trong việc gia tăng cơ hội hợp tác kinh tế trong tương lai.
Bốn cuộc thảo luận đã được tổ chức đồng thời về các chủ đề liên quan đến kinh tế kỹ thuật số, đổi mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vai trò của dữ liệu trong ngoại giao kỹ thuật số và dữ liệu lớn trong quản lý khủng hoảng./.