Indonesia thắt chặt quy định đối với mỹ phẩm, nhà sản xuất bắt buộc phải có chứng nhận này
Cơ quan Thực hiện đảm bảo sản phẩm Halal Indonesia (BPJPH) vừa thông báo, chính phủ nước này đã chính thức rút ngắn thời hạn yêu cầu có chứng nhận Halal bắt buộc với tất cả các mặt hàng mỹ phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Mặc dù gấp rút và gắt gao, việc giảm thời hạn yêu cầu đạt chứng nhận Halal xuống 2 năm có thể là cơ hội mới với các nhà sản xuất mỹ phẩm. (Nguồn: iStock)
BPJPH là cơ quan có trách nhiệm quản lý Hệ thống Đảm bảo sản phẩm Halal và đảm bảo việc tuân thủ tất cả các sản phẩm được chứng nhận tại Indonesia.
Cụ thể, BPJPH cho biết, ban đầu, chính phủ Indonesia yêu cầu thời hạn để các nhà sản xuất mỹ phẩm (trong nước và nước ngoài) phải có Chứng chỉ Halal bắt buộc trên sản phẩm từ ngày 17/10/2026.
Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất, thời hạn này đã được rút ngắn xuống 2 năm, tức là đã bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 18/10/2024.
Như vậy, ở thời điểm hiện tại, để có thể xuất khẩu mỹ phẩm vào thị trường Indonesia, các nhà sản xuất phải đạt được Chứng nhận Halal do BPJPH cấp.
Bà Natalie Obermann, Phó Chủ tịch phụ trách Chiến lược toàn cầu của Hội đồng Sản phẩm chăm sóc cá nhân (PCPC) nhận định, động thái chủ động của Jakarta cho thấy sự chuyển đổi pháp lý tức thời và toàn diện. Việc rút ngắn thời hạn yêu cầu có Chứng chỉ Halal bắt buộc với mỹ phẩm đòi hỏi các nhà sản xuất và nhà cung cấp toàn cầu phải nhanh chóng thích ứng và tuân thủ điều luật.
Bà Obermann nhấn mạnh, khi có yêu cầu pháp lý cụ thể, các công ty hoạt động trong lĩnh vực này phải nhận ra rằng, những khu vực có số lượng lớn người Hồi giáo khác có thể sẽ sớm làm theo hoặc đang trong quá trình thiết lập các hướng dẫn pháp lý riêng.
Do đó, các doanh nghiệp trong ngành mỹ phẩm cần có định hướng cụ thể, rõ ràng hơn với sản phẩm của mình trên từng khu vực khác nhau.
Ngoài ra, Lãnh đạo của Hội đồng Sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng khẳng định, tuy khá bất ngờ và gấp rút nhưng đây cũng có thể là cơ hội cho tất cả, cả nhà sản xuất mỹ phẩm lâu năm và những “người chơi mới”. Với các thương hiệu lâu năm, việc khai thác hiệu quả phân khúc người tiêu dùng Hồi giáo gia tăng góp phần mở rộng thị phần, tăng doanh thu, đồng thời khẳng định, củng cố vị thế là nhãn hàng hàng đầu có trách nhiệm xã hội và nhận thức toàn cầu.
Đối với người tham gia mới vào thị trường mỹ phẩm, thương hiệu có thể chọn lối đi riêng ngay từ đầu bằng cách chỉ tập trung vào các sản phẩm đạt Chứng nhận Halal, từ đó, tạo bản sắc riêng trong thị trường rộng lớn đã bão hòa và nắm bắt cơ hội chiếm “miếng bánh” lớn tại nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á.
Trong những năm gần đây, thị trường mỹ phẩm Halal đang nổi lên với nhiều tiềm năng hứa hẹn. Theo dữ liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Data Bridge Market Research, giá trị thị trường mỹ phẩm Halal toàn cầu đạt 49,47 tỷ USD năm 2022 và dự báo sẽ tăng lên tới 126,94 tỷ USD vào năm 2030.
Ông Mohammad Hussaini, Giám đốc Quỹ Halal Mỹ (AHF) cho biết, nhu cầu mỹ phẩm Halal ngày càng gia tăng nhờ 2 yếu tố kinh tế-xã hội và đạo đức.
Trước hết, sự tăng lên về quy mô dân số, cùng với việc mở rộng trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong cộng đồng người Hồi giáo. Ngoài ra, thời gian gần đây, ý nghĩa của sản phẩm Halal đã vượt ra ngoài việc tuân thủ tôn giáo với một bộ phận người tiêu dùng nhất định.
Ngoài ra, “Khái niệm mỹ phẩm Halal hiện được gắn với các mặt hàng có yêu cầu cao về mặt đạo đức, chứa thành phần tinh khiết và được loại trừ chất có khả năng gây hại trong quá trình sản xuất”, ông Hussaini cho biết.
Tuy vậy, tiềm năng phát triển vượt bậc cũng đang khiến thị trường mỹ phẩm Halal đối mặt với nhiều thách thức về pháp lý quốc tế, khi các tiêu chuẩn chứng nhận tại các quốc gia khác nhau phức tạp và không nhất quán.