Indonesia 'thay máu' phi đội bằng hàng chục chiến đấu cơ Mỹ, Pháp

Indonesia vừa đạt thỏa thuận mua 42 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp và 36 tiêm kích F-15 của Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chiến đấu cơ Rafale do Pháp sản xuất. Ảnh: AFP

Chiến đấu cơ Rafale do Pháp sản xuất. Ảnh: AFP

Hãng thông tấn AFP đưa tin đơn đặt hàng máy bay chiến đấu Pháp đầu tiên của Indonesia được đưa ra khi Jakarta lên kế hoạch thay thế phi đội cũ kỹ, chủ yếu gồm F-16 của Mỹ và Sukhoi của Nga, nhằm ứng phó với mối căng thẳng ngày càng leo thang giữa Mỹ-Trung Quốc ở châu Á.

Thương vụ chiến đấu cơ Rafale được công bố nhân sự kiện Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto gặp mặt người đồng cấp Pháp Florence Parly tại Jakarta. Bộ trưởng Subianto xác nhận hai bên đã ký thỏa thuận mua máy bay chiến đấu. Bộ Quốc phòng Pháp cho biết hợp đồng mua bán 42 máy bay và vũ khí của họ với Jakarta trị giá 8,1 tỷ USD.

Người phát ngôn Herve Grandjean cho biết hai nước cũng đã ký kết một kế hoạch nghiên cứu nhằm để Indonesia đặt hàng hai tàu ngầm Scorpene của Pháp.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã phê duyệt thương vụ F-15 cùng các thiết bị quân sự khác cho Indonesia với giá trị ước tính khoảng 14 tỷ USD.

Giới quan sát đánh giá thương vụ vũ khí trên sẽ cải thiện an ninh của Indonesia - đối tác quan trọng trong khu vực, và là động lực cho sự ổn định chính trị, tiến bộ kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Họ cho rằng động thái này sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản trong khu vực. Bản hợp đồng không nêu rõ thời điểm hai thương vụ được hoàn tất.

Hợp đồng mua 42 máy bay Rafale và hai tàu ngầm trong tương lai là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ ngoại giao giữa Jakarta và Paris đang ấm lúc, cùng lúc Pháp đang xem xét lại các liên minh của họ tại vùng chiến lược này, sau khi đánh mất hợp đồng tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD với Australia.

Phía Paris đã vô cùng tức giận về vụ sụp đổ hồi tháng 9 năm ngoái, khi không hề nhận được thông báo cho thấy Canberra đang đàm phán hiệp ước quốc phòng mới với Mỹ và Anh.

Australia được cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân như một phần thỏa thuận của liên minh quốc phòng mới mang tên Aukus giữa Canberra, Washington và London.

Viết trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ hoan nghênh về quyết định của Indonesia khi chọn lựa ngành công nghiệp xuất sắc của Pháp.

Vào tháng 11/2021, Pháp và Indonesia đã củng cố một thỏa thuận đối tác chiến lược nhân chuyến thăm hai ngày của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tới quần đảo rộng lớn ở Đông Nam Á này.

Tại Jakarta, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Parly nói với các phóng viên rằng Indonesia đã chọn lựa loại máy bay chiến đấu nổi tiếng xuất sắc về kỹ thuật, đã minh chứng được hiệu quả hoạt động trong vô số trường hợp.

Tiêm kích F-15 của Mỹ. Ảnh: AFP

Tiêm kích F-15 của Mỹ. Ảnh: AFP

Eric Trappier, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất Dassault Aviation, cho hay bản hợp đồng với Indonesia đánh dấu sự khởi đầu của mối quan hệ đối tác lâu dài giúp Dassault Aviation nhanh chóng tăng cường sự hiện diện tại quốc gia này.

Ông nói: “Nó cũng thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa Indonesia và Pháp và củng cố vị thế của quần đảo lớn nhất thế giới như một cường quốc quan trọng trên trường quốc tế”.

Theo nguồn tin nội bộ từ tập đoàn chế tạo tàu và tàu ngầm Naval Group của Pháp, Chủ tịch của tập đoàn Pierre-Eric Pommellet, đã đi cùng bà Parly đến Jakarta và ký một biên bản ghi nhớ với PT Pal của Indonesia.

Nguồn tin cho biết thêm thỏa thuận đề cập đến việc chuyển giao công nghệ liên quan đến các tàu ngầm Scorpene, nhưng mọi thứ vẫn đang được đàm phán. Scorpenes là loại tàu ngầm tấn công diesel-điện thông thường. Chúng có khả năng chở 18 ngư lôi và tên lửa chống hạm Exocet. Nó có thể lặn tới độ sâu 350 m.

Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang tham gia một chương trình phát triển máy bay chiến đấu của Hàn Quốc.

Kể từ khi thỏa thuận tàu ngầm với Australia bị sụp đổ, Pháp đã tăng cường quan hệ với các đối tác lâu năm như Nhật Bản và Ấn Độ, cũng như tìm đến các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia.

Đi vào hoạt động từ năm 2004, máy bay chiến đấu Rafale của Dassault Aviation đã chứng tỏ được sự phổ biến trên thị trường quốc tế, bất chấp sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu khác.
Cuối năm 2021, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã ký đơn đặt mua lượng máy bay Rafale lớn nhất từ trước đến nay, với 80 chiếc trị giá 16 tỷ USD.

Rafale còn được ưa chuộng bởi các khách hàng nước ngoài khác như Qatar, Ấn Độ, Ai Cập, Hy Lạp và Croatia.

Đức Trí/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/indonesia-thay-mau-phi-doi-bang-hang-chuc-chien-dau-co-my-phap-20220211111543537.htm