Indonesia với chiến lược xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao

Mới đây, chính phủ Indonesia vừa công bố chiến lược quốc gia về trẻ em và thanh thiếu niên, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến phúc lợi trẻ em.

Chính phủ Indonesia vừa công bố chiến lược quốc gia về trẻ em và thanh thiếu niên, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến phúc lợi trẻ em. Đây là bước đi mới nhất trong lộ trình xây dựng nguồn nhân lực Indonesia tiên tiến, chất lượng cao mà chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đặt làm trọng tâm kể từ khi tái đắc cử năm 2019.

Kế hoạch Hành động Quốc gia về cải thiện phúc lợi cho trẻ em trong độ tuổi đi học

Dựa trên Tổng điều tra dân số năm 2020, dân số từ 8-23 tuổi ở Indonesia đạt 75 triệu người, chiếm 27,94% tổng dân số nước này. Con số này cho cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên là nhóm đối tượng rất quan trọng và mang tính chiến lược trong công cuộc xây dựng đất nước của Indonesia.

Trong khi theo Bộ trưởng Bộ Điều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia Muhadjir Effendy, hiện trẻ em trong độ tuổi đi học và thanh thiếu niên ở Indonesia đang phải đối mặt nhiều vấn đề như: thói quen ăn uống kém, thiếu máu, suy dinh dưỡng, béo phì, bạo lực trong nhà trường và cả ở gia đình, các hình thức bắt nạt truyền thống và bắt nạt trên mạng, rối loạn cảm xúc tâm thần, trầm cảm, vị thành niên phạm pháp, lạm dụng chất gây nghiện, cũng như thiếu cơ hội tiếp cận giáo dục, đặc biệt là trẻ kém may mắn và trẻ khuyết tật.

Trẻ em trong độ tuổi đi học và thanh thiếu niên ở Indonesia đang phải đối mặt nhiều vấn đề (Nguồn: Detik)

Trẻ em trong độ tuổi đi học và thanh thiếu niên ở Indonesia đang phải đối mặt nhiều vấn đề (Nguồn: Detik)

Do đó, Bộ Điều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia đã xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia về cải thiện phúc lợi cho trẻ em trong độ tuổi đi học như một hình thức cam kết của chính phủ trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng vượt trội hướng tới Indonesia tiên tiến.

Kế hoạch này bao gồm 5 bước đi chiến lược nhằm tiếp cận toàn diện với thế hệ trẻ, bao gồm: 1.Tăng cường cam kết và điều phối cũng như hợp tác giữa các ngành và các bên liên quan; 2. Mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe, dinh dưỡng có chất lượng; 3. Xây dựng môi trường an toàn và hỗ trợ cho sự phát triển của thanh thiếu niên; 4. Nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng sống và sự tham gia của trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học; 5. Củng cố và phát triển hệ thống thông tin dữ liệu nghiên cứu, đổi mới trong phát triển nguồn nhân lực.

Các chương trình chiến lược phát triển nguồn nhân lực khác

Trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Joko Widodo từ năm 2019 đến nay, chính phủ Indonesia đã xây dựng chiến lược lớn tổng thể nhằm phát triển nguồn nhân lực cùng với các gói chiến lược nhỏ, bao phủ trên mọi lĩnh vực, từ quá trình chăm sóc trong bụng mẹ, dinh dưỡng, giáo dục phổ cập theo hướng nâng cao, rèn luyện kỹ năng ứng xử, đào tạo nghề.

Một số chương trình lớn có thể kể đến của chính phủ Indonesia để phát triển nguồn nhân lực như: Chương trình chống thấp còi quốc gia, Sáng kiến chất lượng giáo dục quốc gia, hay thậm chí là tăng thuế thuốc lá trong chiến dịch tăng cường chăm sóc sức khỏe dự phòng, thực hiện hệ thống bảo trợ xã hội mạnh mẽ...

Tổng thống Joko Widodo ngay sau khi nhậm chức cũng chỉ đạo việc chuẩn bị nguồn nhận lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là hiện thức hóa sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tăng tốc tiếp cận dịch vụ giáo dục. Và trong 2 năm qua, Bộ giáo dục và văn hóa Indonesia đã phát triển chương trình Số hóa trường học thông qua quỹ Hỗ trợ Hoạt động Trường.

Tổng thống Joko Widodo (Ảnh: Straitstimes).

Tổng thống Joko Widodo (Ảnh: Straitstimes).

Bước đầu tiên, chương trình số hóa trường học đã được thực hiện trên hơn 31.000 trường học trên toàn Indonesia. Chính phủ Quốc gia này cung cấp phương tiện học tập trong trường học dưới dạng máy tính bảng cho hơn 1,7 triệu học sinh lớp 6,7 và lớp 10 trên khắp Indonesia, đặc biệt là các trường học ở các khu vực ngoại ô. Để đảm bảo việc sử dụng hợp lý các phương tiện học tập, Bộ Giáo dục và Văn hóa phối hợp với các bộ/cơ quan chính phủ khác nhau chẳng hạn như phối hợp với Bộ Truyền thông và Thông tin để đảm bảo đường truyền internet, phối hợp với Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản cung cấp các máy phát điện năng lượng mặt trời” cho các trường học.

Chương trình Số hóa trường học là một bước đột phá mới sử dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để tạo thuận lợi cho quá trình dạy và học trên toàn Indonesia, đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua. Tuy nhiên điều này không có nghĩa Indonesia loại bỏ quá trình học trực diện. Thay vào đó, các chương trình học trực diện sẽ phối hợp bổ sung thêm nhiều nội dung kỹ thuật số.

Bước đi này của chính phủ Indonesia nhận được sự ủng hộ và hoan nghênh của các giáo viên và nhà làm giáo dục. Hiệu trưởng Đại học Giáo dục Indonesia (UPI) GS. Solehuddin đánh giá, thông qua số hóa, việc tiếp cận giáo dục của người dân Indonesia trở nên dễ dàng hơn, tạo ra sự phân bổ giáo dục bình đẳng, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Indonesia, tăng cường khả năng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.

Triển vọng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cuộc cách mạng 4.0

Tổng thống Joko Widodo tin tưởng rằng nguồn nhân lực vượt trội sẽ giúp Indonesia tăng khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế kỹ thuật số. Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi hiện nay, Indonesia có tiềm năng lớn trong lĩnh vực này. Thị trường kỹ thuật số của Indonesia đang phát triển nhanh chóng so sánh với các nước ASEAN với đóng góp 40% nền kinh tế kỹ thuật số khu vực. Nguyên thủ Indonesia dự đoán, đến năm 2025, thị trường kỹ thuật số của Indonesia có thể đạt doanh thu 146 tỷ USD. Và đây là một thị trường rộng lớn mà các bạn trẻ Indonesia cần nắm được.

Cũng theo số liệu thống kê, Indonesia sẽ bùng nổ nhân khẩu học vào năm 2030 với khoảng 60% tổng dân số trong độ tuổi làm việc. Do đó, Tổng thống Indonesia đang đặt ra mục tiêu tối đa là trong 2 năm tới phải tăng tốc phát triển nguồn nhân lực bằng cách đưa vào chương trình giáo dục các nội dung xây dựng tài năng kỹ thuật số, các chương trình nghiên cứu năng động, nhanh chóng, phù hợp với thách thức của thời đại.

Và để làm được điều này, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) và nội các của ông đã tăng ngân sách giành cho chương trình ưu tiên quốc gia chính là tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng và cạnh tranh năm 2022, lên tới 217 ngàn tỷ Rupiah (tương đương gần 15 tỷ USD), trong đó tập trung đẩy nhanh việc giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ thấp còi, xây dựng Công viên Công nghệ Khoa học, đổi mới giáo dục và đào tạo nghề đáp ứng ngành Công nghiệp 4.0 cũng như các hệ thống bảo trợ khác./.

Hương Trà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/indonesia-voi-chien-luoc-xay-dung-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-post941041.vov