Iran bác đề xuất thỏa thuận hạt nhân mới sau khi ông Biden nhậm chức
Iran đã thẳng thừng từ chối đề xuất của lãnh đạo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về việc ký kết một thỏa thuận hạt nhân mới sau khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ.
“Việc đưa ra bất kỳ đánh giá nào về cách thức thực hiện các cam kết là hoàn toàn vượt quá thẩm quyền của IAEA và cơ quan này cần phải tránh điều đó”, Kazem Gharibabadi, Đại sứ Iran tại IAEA ở Vienna viết trên Twitter hôm 17/12.
Theo ông Gharibabadi, các cam kết của các bên ký kết thỏa thuận hạt nhân quốc tế JCPOA năm 2015 (Iran và nhóm P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) "đã được soạn thảo một cách kỹ lưỡng" và mỗi bên biết phải làm gì để hiện thực hóa thỏa thuận.
Đại sứ Iran khẳng định sẽ không có cuộc đàm phán lại nào về thỏa thuận. Trong trường hợp thỏa thuận được hồi sinh, ông Gharibabadi cho rằng không cần thiết phải có một văn bản mới về vai trò của IAEA vì "không cần thiết phải làm phức tạp thêm tình hình".
IAEA giám sát việc Iran tuân thủ JCPOA. Hôm 17/12, lãnh đạo IAEA Rafael Grossi tuyên bố với hãng tin Reuters rằng, sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran, quốc gia Hồi giáo bị cáo buộc đã vi phạm nhiều cam kết giới hạn các hoạt động hạt nhân.
Ông Grossi kiến nghị các bên nên quay trở lại thời kỳ tháng 12/2015 hay một tháng trước khi các giới hạn trong thỏa thuận JCPOA chính thức có hiệu lực.
Đối thủ của ông Trump - Joe Biden dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 năm sau. Ông Biden từng bày tỏ, Washington có thể tái tham gia JCPOA "nếu Tehran khôi phục việc tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận".
Theo báo RT, các bên ký kết thỏa thuận còn lại gồm Nga, Pháp, Anh và Đức đã cố gắng cứu JCPOA sau khi Mỹ đơn phương xé bỏ nó.