Iran bỏ qua J-10C để tiến thẳng lên tiêm kích J-35?
Sau khi bác bỏ khả năng mua J-10C, có thông tin cho biết Iran đang tỏ ý quan tâm đặc biệt đến tiêm kích J-35 thế hệ thứ năm của Trung Quốc.

Theo báo chí Nga, Trung Quốc có thể cung cấp cho Iran một phi đội tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm Shenyang J-35, bước đi này nếu xảy ra có thể thay đổi hoàn toàn cán cân quyền lực ở khu vực Trung Đông.

Thông tin về việc Tehran muốn mua chiến đấu cơ Trung Quốc xuất hiện sau khi họ hứng chịu loạt trận không kích của Israel và Mỹ bắt đầu vào ngày 13/6, trong đó báo chí Iran thừa nhận đã bị mất hầu hết các hệ thống phòng không, bao gồm cả tổ hợp S-300 tối tân mua từ Nga.

Iran đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt về việc mua tiêm kích thế hệ mới sau khi chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến kéo dài 12 ngày, trong đó ưu thế trên không của Israel với các chiến đấu cơ F-35 và F-15 được thể hiện rất rõ.

Hợp đồng tương lai nếu thành hiện thực có thể bao gồm tới 40 chiếc J-35C. Ngoài ra Iran còn có kế hoạch tăng số lượng chiến đấu cơ loại này lên 200 chiếc trong tương lai, nhấn mạnh sự chuyển hướng chiến lược của Tehran từ vũ khí Nga sang Trung Quốc.

Tiêm kích tàng hình hạng trung J-35 do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thẩm Dương (Shenyang) phát triển, lần đầu tiên được ra mắt tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2014.

Chiến đấu cơ thế hệ thứ năm này ban đầu được thiết kế cho tàu sân bay Phúc Kiến, nó được định vị trên thị trường vũ khí quốc tế như một sự thay thế hợp lý hơn cho F-35 của Mỹ, vốn đắt đỏ và rất khó tiếp cận.

Nhờ trang bị 2 động cơ WS-19 do Trung Quốc tự chế tạo, chiếc máy bay có thể đạt tốc độ lên tới Mach 1,8, tầm bay tối đa 2.000 km (5.000 km khi tiếp nhiên liệu) và đủ khả năng cất cánh từ đường băng ngắn chỉ 400 mét.

Thiết kế của tiêm kích J-35 sử dụng vật liệu composite có độ bền cao, thiết kế trơn tru và lớp sơn phủ đặc biệt có tác dụng giảm tiết diện phản xạ radar (RCS) xuống tới 250 lần.

Tải trọng vũ khí của J-35 lên tới 6 tấn, bao gồm tên lửa PL-15 đã chứng minh hiệu quả trong tay Không quân Pakistan, và tên lửa siêu thanh PL-XX có tầm bắn 500 km, đủ khả năng tấn công các mục tiêu cỡ lớn như máy bay ném bom và máy bay AWACS.

J-35 còn được tích hợp công nghệ tàng hình thụ động thông qua radar Type 1475 (KLJ-7) có phạm vi phát hiện lên đến 1.500 km. Hệ thống này chặn tín hiệu radar của đối phương và phản hồi ngược pha, khiến máy bay gần như vô hình.

Truyền thông Trung Quốc tự tin cho biết không một quốc gia nào khác ngoài họ đang trang bị radar sóng milimet cho tiêm kích, giúp J-35 có lợi thế lớn trong việc phát hiện máy bay chiến đấu tàng hình của đối phương.

J-35 còn được trang bị tên lửa C-81 (phiên bản "K" và "C" có tầm bắn lần lượt 65 và 140 km) để chống lại tàu sân bay và tàu ngầm, đi kèm tên lửa hành trình CJ-10 tầm bắn 1.800 km và mang được đầu đạn hạt nhân.

Iran coi tiêm kích J-35 là phương tiện khôi phục khả năng phòng thủ của mình sau khi chịu tổn thất nghiêm trọng do những trận không kích của Israel và Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân Natanz, Fordow và Isfahan.

Nhưng cần nhấn mạnh, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Iran sẽ mua được tiêm kích J-35 từ Trung Quốc, khi Bắc Kinh vẫn lo ngại phản ứng từ phía Mỹ, đồng thời hai bên vẫn chưa thống nhất được hình thức thanh toán.