Iran đặt mục tiêu sản xuất Su-30 và Su-35

Iran đang tiến gần hơn đến việc tự sản xuất các dòng máy bay chiến đấu hiện đại Su-30 và Su-35 của Nga ngay trên lãnh thổ của mình.

Các nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Tehran đã nhận được giấy phép từ Nga và đang chuẩn bị xây dựng nhà máy sản xuất Su-30 và Su-35 - một bước tiến quan trọng đối với cả ngành hàng không và quốc phòng Iran.

Tiêm kích Su-35. (Nguồn: Getty Images)

Tiêm kích Su-35. (Nguồn: Getty Images)

Theo kế hoạch, Iran dự kiến sẽ sản xuất từ 48 đến 72 chiếc Su-35 Flanker-E để bổ sung cho lực lượng không quân, còn số lượng Su-30 Flanker-C lắp ráp trong nước chưa được xác định rõ.

Việc tự sản xuất các máy bay này không chỉ giúp Iran nâng cao khả năng phòng thủ mà còn tạo ra cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không trong nước.

Tự chủ quân sự giữa áp lực quốc tế

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Iran đang đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế, hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ quân sự tiên tiến.

Việc tự sản xuất máy bay giúp Tehran giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, đồng thời thắt chặt quan hệ chiến lược với Nga, đặc biệt khi cả hai quốc gia đang phải đối diện với áp lực từ phương Tây và Israel.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng, việc sản xuất trong nước các máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35 sẽ giúp Iran đạt được mức độ tự chủ cao hơn và tăng cường khả năng phản ứng trước các tình huống quân sự, đặc biệt trong bối cảnh tình hình Trung Đông ngày càng phức tạp.

Sự khác biệt giữa Su-30 và Su-35

Su-30 và Su-35 đều là các máy bay chiến đấu đa năng hàng đầu do Sukhoi phát triển, nhưng mỗi loại có những đặc điểm riêng biệt.

Tiêm kích SU-30 tại Triển lãm Hàng không quốc tế MAKS-2021. (Nguồn: Shutterstock)

Su-30 là máy bay hai chỗ ngồi, với tầm bay xa và khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu đa dạng. Với bán kính chiến đấu lên đến 3.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu, Su-30 phù hợp cho các nhiệm vụ tuần tra dài ngày.

Ngược lại, Su-35 đại diện cho sự tiến hóa từ Su-30 với động cơ mạnh hơn và hệ thống điện tử tiên tiến hơn. Đặc biệt, động cơ AL-41F1S của Su-35 mang lại khả năng cơ động siêu việt và tính linh hoạt trong không chiến.

Su-35 cũng được trang bị radar Irbis-E, cho phép phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa hơn, lên đến 400 km đối với các mục tiêu trên không và 200 km đối với các mục tiêu mặt đất.

Cả hai máy bay đều có khả năng mang theo nhiều loại vũ khí tiên tiến. Su-30 thường sử dụng các loại tên lửa như R-77 và Kh-29, trong khi Su-35 có thể trang bị những tên lửa hiện đại hơn như R-77-1 và Kh-58, với khả năng tấn công chính xác cao.

Việc sở hữu và sản xuất Su-30 và Su-35 sẽ mang lại cho Iran sức mạnh phòng thủ vượt trội, đồng thời tác động lớn đến tình hình an ninh và cán cân quyền lực tại khu vực Trung Đông.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/iran-dat-muc-tieu-san-xuat-su-30-va-su-35-169241023193501491.htm