Nhờ lợi thế địa lý độc đáo, Ai Cập cũng giống như Ấn Độ, có thể cùng lúc mua sắm vũ khí, trang bị cả từ phương Đông và phương Tây; vũ khí của quân đội Ai Cập cũng có nguồn gốc “sản xuất ở tất cả các nước”; kể cả máy bay chiến đấu của Không quân Ai Cập.
Hiện tại, Không quân Ai Cập có máy bay chiến đấu MiG-35 mua từ Nga, cùng loại và cùng đời là máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon mua từ Mỹ và máy bay huấn luyện trung cấp và cao cấp K-8 nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trang bị của quân đội Ai Cập cũng khá phức tạp, Ai Cập sở hữu trực thăng vũ trang bao gồm trực thăng Apache mua từ Mỹ và cả trực thăng Ka-52 Alligator mua từ Nga.
Trước đó, Ai Cập đã quyết định mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga, do chiến đấu cơ F-16 của Ai Cập chỉ có khả năng chiến đấu tầm gần, trong khi các đối thủ của Ai Cập đều được trang bị chiến đấu cơ hạng nặng F-15 của Mỹ. Nga đã nhanh chóng hành động và chuẩn bị sẵn sàng các máy bay chiến đấu Su-35 trong thời gian rất ngắn cho Ai Cập.
Trước việc Ai Cập mua máy bay chiến đấu của Nga, Mỹ bắt đầu ra tay cản trở, cuối cùng buộc Ai Cập phải từ bỏ việc nhận máy bay chiến đấu Su-35 của Nga, để những chiếc máy bay chiến đấu Su-35, đáng lẽ được bàn giao cho Ai Cập, phải nằm đắp chiếu trong các nhà máy của Nga; gây tổn thất lớn cho cả Nga và Ai Cập.
Hiện các máy bay chiến đấu Su-35 mà Ai Cập định mua đã có khách hàng mới, nhưng không phải Ai Cập muốn nhận máy bay này, mà là Iran. Ngày 4/9 vừa qua, Iran quyết định đưa việc mua máy bay chiến đấu Su-35 vào chương trình nghị sự.
Trước đó đã có tin đồn Iran sẽ tiếp quản máy bay chiến đấu Su-35 mà Ai Cập mua, và tin đồn này có khả năng trở thành hiện thực, bởi Nga sẽ không lãng phí số máy bay chiến đấu Su-35 đã hoàn thiện. Số máy bay chiến đấu Su-35 có thể giao ngay và Iran có thể biến ước mơ thành hiện thực.
Việc Không quân Iran sở hữu chiến đấu cơ Su-35, sẽ sớm giúp không quân nước này đạt được sức mạnh chiến đấu. Hiện nay, Không quân Iran vẫn sử dụng máy bay chiến đấu F-14 Tomcat làm chiến đấu cơ chủ lực. F-14 là mẫu máy bay mà Hải quân Mỹ đã loại bỏ từ năm 2008, mặc dù nó được đánh giá là máy bay đánh chặn mạnh nhất.
Trong bối cảnh Mỹ ra sức cản trở Ai Cập mua máy bay chiến đấu Su-35, thì Iran càng có cơ hội sở hữu loại chiến đấu cơ mà Không quân Mỹ cực kỳ e ngại; nhất là trong bối cảnh, Mỹ và Iran đã đối đầu gay gắt trong thời gian dài.
Mới đây, Hải quân Iran đã bắt giữ tàu mặt nước không người lái Explorer của Hải quân Mỹ. Với Mỹ, Iran là “cái gai” trong mắt ở khu vực Trung Đông; nhiều hành động của Iran đã khiến hai quốc gia bên bờ vực chiến tranh, như phòng không Iran bắn rơi UAV trinh sát chiến lược tầm cao, phóng tên lửa đạn đạo vào căn cứ quân sự của Mỹ…
Trong các quốc gia “dám đối đầu” với Mỹ, Iran nổi lên như một “lá cờ đầu”, điều đó cho thấy quyết tâm và sự tự tin của Iran. Giờ đây, Mỹ lại một lần nữa lại “tạo điều kiện” để Nga giao máy bay chiến đấu Su-35 trong kho cho Iran.
Liên hợp quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran vào năm 2020, vì vậy Iran có thể mua vũ khí và thiết bị từ thị trường quốc tế. Nhưng hiện tại Mỹ vẫn chưa nới lỏng các biện pháp trừng phạt Iran; vì lý do này, việc Iran mua vũ khí và thiết bị từ Nga đã trở thành lựa chọn tốt nhất.
Sau khi có được máy bay chiến đấu Su-35, Không quân Iran có thể nhanh chóng nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, để có thể đối phó hiệu quả hơn với tình huống răn đe của quân đội Mỹ.
Mỹ đã áp dụng các biện pháp gây áp lực cao đối với Iran từ cuối những năm 1970; nhưng cho đến nay, Iran vẫn không bao giờ chịu xuống thang nhượng bộ và các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran luôn có xu hướng tăng lên qua các đời tổng thống Mỹ và chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại.
Tiến Minh