Israel đánh chặn tên lửa Iran như thế nào?
Trong cuộc xung đột 12 ngày hồi tháng 6, Iran lần đầu tung hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm vào Israel, đối đầu trực tiếp với hệ thống phòng không nhiều lớp hiện đại của nước này.
Đây là cuộc thử nghiệm thực tế khắc nghiệt nhất dành cho cả hai bên: Iran tung ra hàng trăm tên lửa tấn công, trong khi Israel vận hành toàn bộ mạng lưới đánh chặn tối tân mà họ đã xây dựng suốt ba thập kỷ qua.

Hệ thống phòng thủ Irone Dome của Israel (trái), hệ thống MIM-104 Patriot và hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3. (Nguồn: Getty Images)
Iran từ lâu đã tập trung phát triển kho tên lửa đạn đạo như một giải pháp thay thế cho ưu thế không quân mà nước này thiếu hụt. Khác với máy bay hay tên lửa hành trình có thể bị radar phát hiện và đánh chặn dễ dàng hơn, tên lửa đạn đạo bay theo quỹ đạo cao, tốc độ lớn, khiến việc bắn hạ trở nên cực kỳ khó khăn.
Kể từ những năm 1990, Tehran đã đầu tư mạnh vào các dòng tên lửa tầm trung như Emad, Ghadr, Dezful và Khorramshahr-4 (còn gọi là Kheiber Shekan), cũng như các mẫu mới như Fattah-1 và Fattah-2 có khả năng cơ động ở giai đoạn cuối. Kho dự trữ của Iran hiện ước tính có khoảng 2.000 đến 2.500 tên lửa tầm trung (MRBM), chưa kể đến tên lửa hành trình và hàng ngàn UAV cảm tử tầm xa.
Trong khi đó, kể từ sau cuộc tấn công bằng tên lửa Scud của Iraq năm 1991, Israel đã dồn lực xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa tích hợp, có chiều sâu và độ phủ toàn diện trên khắp lãnh thổ.
Cấu trúc này gồm nhiều lớp: lớp thấp nhất là Iron Dome, chuyên đánh chặn rocket và UAV giá rẻ; lớp trung là David’s Sling với tên lửa Stunner có thể đánh chặn cả tên lửa hành trình và MRBM; lớp cao nhất là Arrow-2 và Arrow-3, được thiết kế để đối phó với những tên lửa tầm xa và thậm chí cả tên lửa liên lục địa. Ngoài ra, Israel còn được Mỹ triển khai thêm hệ thống Patriot và THAAD, tăng cường khả năng đánh chặn ở tầng cao nhất.
Cuộc thử nghiệm thực tế cho hệ thống phòng không Israel bắt đầu khi Iran mở hai đợt tấn công bằng tên lửa quy mô lớn vào tháng 4 và tháng 10/2024. Tuy nhiên, cao trào xảy ra vào tháng 6/2025, khi Israel chủ động phát động tấn công nhằm phá hủy kho tên lửa đạn đạo của Iran. Đáp trả, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã phóng tổng cộng khoảng 530–550 tên lửa đạn đạo về phía Israel, đồng thời huy động hơn 1.100 UAV tấn công trong suốt 12 ngày giao tranh.
Những thống kê ban đầu cho thấy Israel đã đánh chặn thành công khoảng 90% số tên lửa bay tới. Chuyên gia tên lửa Fabian Hoffman ước tính khoảng 420 đến 470 tên lửa đã bị bắn hạ, cho thấy hiệu quả rõ rệt của hệ thống phòng không nhiều lớp.
Thậm chí, cả những hệ thống không được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo, như Iron Dome, cũng đã tham chiến thành công. Điều này cho thấy Israel đã tối ưu hóa cách phối hợp giữa các tầng phòng thủ, trong đó đáng chú ý là chiến thuật "bắn-nhìn-bắn", tức là nếu lần đánh chặn đầu không thành công, hệ thống sẽ tự động triển khai lần đánh thứ hai dựa trên dữ liệu vừa thu được.
Mặc dù Israel đã thể hiện năng lực phòng thủ xuất sắc, nhưng cái giá phải trả không hề nhỏ. Một quả tên lửa THAAD có giá khoảng 12 triệu USD, trong khi Arrow-2 và Arrow-3 cũng tiêu tốn hàng triệu USD cho mỗi lần phóng.
Chỉ riêng trong xung đột 12 ngày, Israel đã phải sử dụng ít nhất 34 quả Arrow-3, 9 quả Arrow-2 và 39 quả THAAD, vượt xa tốc độ sản xuất hàng năm. Trong khi đó, kho tên lửa của Iran vẫn còn dồi dào và chi phí sản xuất lại rẻ hơn nhiều. Đây chính là điểm yếu chiến lược của nhiều hệ thống phòng thủ: đánh chặn hiệu quả nhưng không bền vững nếu bị tiêu hao trong một cuộc chiến kéo dài.