Israel-Syria trước triển vọng bình thường hóa quan hệ

Sau gần 14 năm chìm trong nội chiến, chính phủ mới của Syria đang thiết lập lại các mối quan hệ khu vực, trong đó nhiều khả năng ký kết một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel.

Đầu tuần trước, một quan chức cấp cao của Israel nói với tờ The Times of Israel rằng nước này và Syria đang tiến hành “các cuộc đàm phán cấp cao” về một thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng thù địch giữa hai nước. Trên danh nghĩa, Israel và Syria vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ cuộc chiến Ả Rập–Israel năm 1948, theo kênh Al Jazeera.

Điều kiện từ Israel và Syria

Theo quan chức Israel, các cuộc tiếp xúc giữa Israel và Syria tập trung vào việc phối hợp các vấn đề an ninh. Tuy nhiên, người này từ chối đưa ra dự đoán về thời điểm một thỏa thuận hòa bình toàn diện giữa hai quốc gia có thể trở thành hiện thực.

“Chúng ta sẽ chờ xem. Hiện tại, vẫn chưa có gì cụ thể… Chắc chắn có một khát vọng mở rộng Hiệp định Abraham và không có gì bí mật khi chúng tôi muốn thấy Syria trong hiệp định này. Có thể có một cơ hội” - quan chức này cho hay.

Hiệp định Abraham được ký kết vào năm 2020 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Ả Rập.

 Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa. Ảnh: AFP

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa. Ảnh: AFP

Các quan chức Israel cho biết phái đoàn Israel do Cố vấn An ninh Quốc gia Tzachi Hanegbi dẫn đầu. Ông Hanegbi đã xác nhận rằng Israel và Syria đang duy trì liên lạc trực tiếp hằng ngày và đang thảo luận về khả năng bình thường hóa quan hệ.

Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là bên tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc trao đổi giữa Israel và Syria. Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu được cho là đã yêu cầu Đặc phái viên Mỹ Tom Barrack giúp đàm phán một thỏa thuận.

Bên cạnh đó, vào ngày 30-6, các quan chức Mỹ và Israel nói với hãng tin Axios rằng Mỹ đã bắt đầu "thảo luận sơ bộ" với Israel và Syria về một thỏa thuận an ninh tiềm năng giữa hai nước.

Một quan chức Mỹ cho biết các cuộc đàm phán hiện tại đang được tiến hành ở cấp trung, chưa có bất kỳ thảo luận nào về một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo. “Chính phủ Mỹ ủng hộ một tiến trình dần dần, nhằm từng bước xây dựng lòng tin và cải thiện quan hệ giữa Israel và Syria”, Axios đưa tin.

Tuy nhiên, Israel đang thúc ép để có được sự đảm bảo rằng “mọi cuộc đàm phán cuối cùng phải dẫn đến một thỏa thuận hòa bình toàn diện và bình thường hóa quan hệ”, theo lời một quan chức cấp cao của Israel.

Syria, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống lâm thời Ahmed al-Sharaa, đã tuyên bố sẵn sàng chung sống hòa bình với Israel và khẳng định sẽ tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn năm 1974 giữa hai quốc gia.

Damascus chưa công khai xác nhận các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, trong một thỏa thuận hòa bình tiềm năng, nhiều khả năng Syria sẽ yêu cầu Israel rút khỏi vùng lãnh thổ mới mà Tel Aviv chiếm giữ gần khu vực biên giới với Cao nguyên Golan sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Barshar al-Assad.

Về phía Israel, ông Netanyahu đã từng tuyên bố rằng ông coi thỏa thuận ngừng bắn 1974 là không còn hiệu lực và được cho là muốn có một thỏa thuận an ninh, cập nhật từ thỏa thuận ngừng bắn này, với khuôn khổ hướng tới một kế hoạch hòa bình toàn diện với Syria.

Israel cũng được cho là đưa ra thêm các điều kiện: không có căn cứ quân sự nào của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, không có sự hiện diện của Iran hoặc các nhóm được Iran hậu thuẫn như Hezbollah, phi quân sự hóa miền Nam Syria, theo Al Jazeera.

Thỏa thuận hòa bình tiềm năng giữa Israel và Syria phản ánh những chuyển biến sâu rộng hơn trong khu vực, nơi đối thoại chính trị đang dần thay thế đối đầu quân sự. Nếu được ký kết, đây sẽ là thỏa thuận hòa bình chính thức đầu tiên giữa Israel và Syria kể từ năm 1948 — một bước ngoặt có thể tái định hình cục diện chiến lược của Trung Đông, theo hãng tin The Media Line.

Khả năng bình thường hóa quan hệ

Các nhà phân tích cho rằng khả năng bình thường hóa quan hệ giữa Syria và Israel có thể thành hiện thực trong tương lai, nhưng hiện tại điều đó gần như không thể, theo Al Jazeera.

Hai quan chức cấp cao của Israel nói với Axios rằng một thỏa thuận vẫn là điều khả thi, nhưng nhấn mạnh rằng quá trình này sẽ kéo dài, trong đó một người khẳng định rằng thỏa thuận “không phải chuyện một sớm một chiều".

Hai quốc gia láng giềng đã đứng ở hai phía đối lập trong các cuộc xung đột ở Trung Đông suốt hàng thập niên, bao gồm các cuộc chiến trực tiếp và thường rất khốc liệt, từ cuộc chiến năm 1948 cho đến Chiến tranh Lebanon lần thứ nhất năm 1982.

 Binh Israel tại biên giới với Syria ở Cao nguyên Golan. Ảnh: Abir Sultan/EPA

Binh Israel tại biên giới với Syria ở Cao nguyên Golan. Ảnh: Abir Sultan/EPA

Bên cạnh đó, việc Israel kiểm soát Cao nguyên Golan càng làm phức tạp quan hệ Israel-Syria. Mặc dù truyền thông Israel cho hay vấn đề Cao nguyên Golan vẫn chưa được đưa ra thảo luận trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Syria, nhưng đây được coi là rào cản địa chính trị lớn nhất.

Hôm 30-6, Ngoại trưởng Israel Gideon Sa’ar tuyên bố rằng dù có bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Syria, “cao nguyên Golan sẽ vẫn là một phần của Nhà nước Israel".

Theo các nhà phân tích, nhiều người Syria sẽ phản đối việc từ bỏ chủ quyền Cao nguyên Golan cho Israel. Tuy nhiên, không ít người có thể hoan nghênh những cuộc đàm phán mang tính thực tế.

“Người dân Syria bị chia rẽ… bởi vì một mặt, họ đã kiệt sức, ai cũng nhận ra Syria không còn khả năng tự vệ hay chiến đấu với Israel… nên việc [ông al-Sharaa] đàm phán là điều tốt” - nhà văn và tác giả người Syria Robin Yassin-Kassab nhận định, đồng thời cho rằng việc quay lại một thỏa thuận tương tự như lệnh ngừng bắn năm 1974 là lựa chọn thực tế nhất.

Nguồn tin từ Syria (yêu cầu giấu tên) cho biết thỏa thuận được đề xuất sẽ “bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai quốc gia”. Nguồn tin này cũng gợi ý rằng Cao nguyên Golan có thể trở thành một “khu vườn hòa bình", ám chỉ các sáng kiến hợp tác kinh tế và phát triển chung tiềm năng, theo trang The Media Line.

Các nhà phân tích Syria cho rằng các cuộc tiếp xúc với Israel phản ánh những ưu tiên mới ở Damascus sau nhiều năm nội chiến và Syria đang tìm cách tái hội nhập vào khu vực, thoát khỏi tình trạng bị cô lập.

TS Kamal Jbeili - một nhà nghiên cứu về các vấn đề chiến lược tại Damascus - cho biết việc Syria sẵn sàng hướng tới hòa bình “không có gì bất ngờ nếu đặt trong bối cảnh tái xác định ưu tiên” của chính quyền mới ở Syria.

TS Jbeili nói thêm rằng việc bình thường hóa với Israel “có thể được sử dụng như một con bài chiến lược để cải thiện tình hình kinh tế và an ninh trong nước, với điều kiện chủ quyền của Syria và vấn đề Cao nguyên Golan phải được giữ vững trong khuôn khổ các thỏa thuận rõ ràng”.

Đối với Israel, việc mở rộng Hiệp định Abraham với các quốc gia Ả Rập hoặc Hồi giáo có thể tiếp tục làm thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông theo hướng bất lợi cho Iran và có lợi cho Israel, theo tờ Wall Street Journal.

Nếu đạt được thỏa thuận với Syria và Lebanon - quốc gia mà Israel cũng đang thúc đẩy bình thường hóa quan hệ, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc Israel sẽ ở trong trạng thái hòa bình với tất cả các quốc gia Ả Rập láng giềng, dù xung đột ở Dải Gaza vẫn chưa được giải quyết.

Israel thay đổi lập trường đối với Syria

Kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ hồi tháng 12 năm ngoái, chính phủ mới của Syria do Tổng thống lâm thời Ahmed al-Sharaa lãnh đạo đã nỗ lực thể hiện một hình ảnh ôn hòa hơn với phương Tây.

Ban đầu, Israel có lập trường cứng rắn đối với chính quyền mới của Syria. Israel đã liên tục phát động các cuộc không kích nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự tại nhiều địa điểm trên khắp Syria.

Lực lượng Israel cũng tiến vào vùng đệm phi quân sự do Liên Hợp Quốc giám sát – vốn ngăn cách Syria với khu vực Cao nguyên Golan mà Israel kiểm soát – cũng như các vùng lân cận, bao gồm đỉnh núi Hermon.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, giọng điệu của Israel đã thay đổi giữa bối cảnh Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận giữa hai nước. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ra lệnh dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria vào đầu tuần trước, bao gồm gỡ bỏ các hạn chế kinh tế và tài chính toàn diện đối với quốc gia này.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/israel-syria-truoc-trien-vong-binh-thuong-hoa-quan-he-post858467.html