EU cân nhắc đình chỉ thỏa thuận liên kết với Israel do khủng hoảng Gaza
Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét các biện pháp mạnh tay, bao gồm khả năng tạm đình chỉ Thỏa thuận Liên kết EU-Israel, trước những lo ngại về vi phạm nhân quyền tại Dải Gaza.

Người dân bị mất nhà cửa trong các cuộc xung đột sơ tán tới khu lều tạm ở Rafah, Dải Gaza. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 10/7, bản dự thảo các phương án mới do Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) soạn thảo cho thấy EU đang cân nhắc nhiều kịch bản ứng phó, trong đó có khả năng “đình chỉ toàn diện” Thỏa thuận Liên kết EU-Israel - văn kiện nền tảng cho quan hệ hợp tác sâu rộng giữa hai bên trong các lĩnh vực như thương mại, đối thoại chính trị và hợp tác kỹ thuật. Một phương án nhẹ hơn được đề cập là tạm ngừng đối thoại chính trị giữa Brussels và chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, song biện pháp này sẽ cần sự nhất trí của toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU.
Đặc biệt, EEAS cũng đề xuất khả năng đình chỉ thương mại trong thỏa thuận, điều này đồng nghĩa với việc Israel sẽ không còn được hưởng các ưu đãi thương mại khi đưa hàng hóa vào thị trường châu Âu. Khác với các biện pháp khác, phương án này chỉ cần sự phê chuẩn bằng hình thức biểu quyết đa số đủ điều kiện, nên khả năng được thông qua cao hơn.
Một loạt biện pháp khác cũng đang được cân nhắc, như loại Israel khỏi các chương trình trao đổi sinh viên và nghiên cứu khoa học, hạn chế các thỏa thuận kỹ thuật, hoặc tạm dừng các bản ghi nhớ hợp tác song phương đã ký trước đó. Đây được coi là bước đi chưa từng có tiền lệ, phản ánh áp lực gia tăng trong EU, buộc khối này phải thể hiện quan điểm rõ ràng hơn trước tình hình nhân đạo tại Gaza.
Theo đánh giá nội bộ của EEAS, các hành động quân sự của Israel từ sau vụ tấn công ngày 7/10/2023 có dấu hiệu vi phạm nghĩa vụ tôn trọng nhân quyền được quy định tại Điều 2 của Thỏa thuận Liên kết EU-Israel. Báo cáo này chỉ ra rằng Israel đã tiến hành các đợt không kích với vũ khí có sức công phá lớn ở những khu vực đông dân cư, đồng thời áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với hoạt động tiếp nhận và phân phối hàng hóa thiết yếu vào Gaza.
Trong khi đó, phía EU vẫn tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Đại diện cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU, bà Kaja Kallas, cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận nhằm bảo đảm hàng viện trợ có thể tiếp cận Gaza trong thời gian sớm nhất. Bà Kallas khẳng định EU hy vọng các chuyến hàng cứu trợ sẽ được chuyển tới người dân Gaza trong những ngày tới, đồng thời đánh giá cao sự phối hợp từ phía Tel Aviv.
Dự kiến, dự thảo các biện pháp này sẽ được các ngoại trưởng EU đưa ra thảo luận tại hội nghị sắp tới. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng khả năng thông qua các biện pháp cứng rắn vẫn còn bỏ ngỏ, khi một số quốc gia thành viên như Đức hay Hungary lâu nay vẫn duy trì quan điểm ủng hộ Israel và có thể phản đối các quyết định mang tính răn đe quá mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Gaza tiếp tục căng thẳng, EU sẽ khó tránh khỏi những bất đồng nội bộ khi tìm tiếng nói chung, nhất là khi các giải pháp cứng rắn có nguy cơ tác động lớn tới quan hệ ngoại giao và thương mại song phương vốn đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ.