Israel và Mỹ đồng ý bán hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 cho Đức

Israel cho biết hôm thứ Năm (17/8) rằng họ và Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán hệ thống phòng thủ tên lửa siêu thanh Arrow 3 cho Đức trong thỏa thuận quân sự lớn nhất của nước này, trị giá 3,5 tỷ USD.

Hệ thống Arrow 3 - được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo phía trên bầu khí quyển Trái đất - do Israel và Mỹ cùng phát triển và sản xuất.

 Tên lửa đánh chặn Arrow 3 được phóng từ một căn cứ quân sự của Israel tại một địa điểm không xác định trên bờ biển Địa Trung Hải. Ảnh: DPA

Tên lửa đánh chặn Arrow 3 được phóng từ một căn cứ quân sự của Israel tại một địa điểm không xác định trên bờ biển Địa Trung Hải. Ảnh: DPA

Bộ Quốc phòng Israel cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo cho họ về việc chính phủ nước này chấp thuận cho Đức mua hệ thống Arrow 3. “Bộ Quốc phòng Israel, Bộ Quốc phòng liên bang Đức và Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) sẽ ký thỏa thuận quốc phòng trị giá 3,5 tỷ USD mang tính bước ngoặt”, thông báo cho biết.

Bộ Quốc phòng Israel cho biết các quan chức cấp cao của Bộ này và Đức sẽ ký một cam kết về thỏa thuận với khoản thanh toán sơ bộ 600 triệu USD.

“Với khả năng đánh chặn tầm xa đặc biệt, hoạt động ở độ cao lớn trên bầu khí quyển, Arrow 3 là máy bay đánh chặn hàng đầu của loại hình này”, Bộ này cho biết. Thủ tướng Benjamin Netanyahu gọi thỏa thuận này là “thương vụ mua bán quốc phòng lớn nhất” trong lịch sử Israel.

“75 năm trước, người Do Thái đã bị Đức Quốc xã nghiền nát thành tro bụi. 75 năm sau, nhà nước Do Thái trao cho nước Đức - một nước Đức khác xưa, công cụ để tự vệ… Thật là một bước ngoặt lịch sử”, ông Netanyahu nói.

Hệ thống này lần đầu tiên được triển khai tại một căn cứ không quân của Israel vào năm 2017 và đã được sử dụng để bảo vệ Israel trước các cuộc tấn công từ Iran và Syria.

Bộ Quốc phòng Israel cho biết, hợp đồng cuối cùng cho thỏa thuận này dự kiến sẽ được ký kết vào cuối năm 2023 sau khi được quốc hội của cả Đức và Israel thông qua. Đức hy vọng hệ thống Arrow 3 sẽ được giao vào quý cuối cùng của năm 2025.

Chính phủ Đức đã thúc đẩy tăng cường khả năng phòng không của NATO ở châu Âu sau khi chứng kiến các cuộc tấn công tên lửa không ngừng của Nga vào Ukraine, kêu gọi các đồng minh cùng nhau mua các hệ thống răn đe.

Cho đến nay, hơn một chục quốc gia châu Âu đã đăng ký tham gia sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu.

Mai Vân (theo AFP, SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/israel-va-my-dong-y-ban-he-thong-phong-thu-ten-lua-arrow-3-cho-duc-post261002.html