Ít bị ảnh hưởng bởi biến động thế giới, chăn nuôi lợn còn nhiều dư địa tăng trưởng
Là thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn trên thế giới, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2025.
Người Việt tiêu thụ thịt lợn đứng thứ 4 thế giới
Với Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thịt lợn chế biến còn hạn chế, chủ yếu mới có các sản phẩm thịt lợn sữa chế biến, thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh. Nhập khẩu kim ngạch chưa nhiều (khoảng 292.000 tấn vào năm 2024, đạt 460 triệu USD), vì vậy thị trường trong nước dự báo ít ảnh hưởng do nhân tố tác động từ thị trường quốc tế.
Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị Phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi heo trong tình hình mới, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 3/4, tại Hà Nội.

Hội nghị Phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi heo trong tình hình mới. Ảnh: Nhung Bùi
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y, tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2021 khoảng 30 kg/người/năm, năm 2022 khoảng 32 kg/người/năm, năm 2023 khoảng 33,8 kg/người/năm.
Đặc biệt, năm 2024 ước đạt 37,04 kg/người/năm, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 4 thế giới về tiêu thụ thịt lợn.
Trên bình diện quốc tế, năm 2025 sẽ là năm có nhiều biến động bất lợi đối với ngành chăn nuôi lợn toàn cầu như: Sự tăng giảm sản lượng không đều tại các quốc gia, sự biến động khó lường của giá thức ăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, xu hướng thay thế thịt lợn bằng các loại thịt khác có lợi cho sức khỏe ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và thú y, nếu áp dụng công nghệ mới và tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội phát triển. Ngoài ra, sau dịch tả lợn châu Phi, ngành chăn nuôi lợn nước ta đã thay đổi toàn diện, nâng cao ý thức về an toàn sinh học so với trước đây. Công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện cũng thuộc top đầu thế giới.
Giá lợn dự báo khó tăng đột biến
Từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn là chủ đề được nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm. Như các năm trước, sau Tết giá thịt lợn thường chững lại, nhưng quý I/2025 lại có sự khác biệt, khi giá tăng sớm và tăng nhanh. Tình trạng thiếu hụt ở phía Nam và một số địa phương khiến “lợn từ miền Bắc chuyển ngược vào miền Nam".
Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết tính đến đầu tháng 3/2025, giá lợn hơi đã tăng lên 75.000 - 80.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 15 - 18% so với đầu tháng 01/2025. Trong tháng 3/2025, mức giá đỉnh xuất hiện tại tỉnh Đồng Nai là 83.000 đồng/kg từ ngày 6/3/2025. Đây cũng là mức giá cao nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, đến trung tuần tháng 3, giá thịt lợn đã có dấu hiệu chững lại và có xu hướng giảm.
So sánh về giá thịt heo trong khu vực, ông Hòa nhận định, giá thịt heo Việt Nam (83.000 đồng/kg) cao hơn so với Trung Quốc (63.000 đồng/kg), Thái Lan (56.000 đồng/kg) và Campuchia, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể với Philippines (115.000 đồng/kg).
Thời gian tới, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường dự báo giá lợn hơi sẽ duy trì ở mức cao, tuy nhiên khó có khả năng tăng đột biến nếu công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt.
Ngoài ra, thị trường có thể điều tiết bằng lượng thịt heo nhập khẩu, hiện chủ yếu từ Nga, Brazil, Đức, Hà Lan, Ba Lan…
Số liệu thống kê nhanh cho thấy, tính đến ngày 25/3/2025, Việt Nam nhập khẩu 32.900 tấn thịt và 30.500 tấn phụ phẩm ăn được từ lợn, cao hơn 38% so với lũy kế cùng kỳ năm 2024. Nga đang là đối tác cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam, chiếm hơn 22% tổng lượng nhập khẩu.