JICA tại Việt Nam: Tiếp tục sứ mệnh kiến tạo vì con người
Sau hơn 30 năm hiện diện tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khẳng định cam kết bền vững trong việc đồng hành cùng quá trình phát triển của Việt Nam, với phương châm xuyên suốt: kiến tạo vì con người.

Ông Kobayashi Yosuke, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam.
Không chỉ là nguồn vốn đầu tư phát triển, JICA đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò là đối tác chiến lược, cùng Việt Nam xây dựng một tương lai thịnh vượng, bền vững và lấy con người làm trung tâm. Ông Kobayashi Yosuke, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam đưa ra thông điệp trên khi vừa trở lại Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.
Hợp tác bền vững từ quá khứ đến hiện tại
Mang theo góc nhìn đầy trải nghiệm từ những năm công tác trước đây tại Việt Nam (2005-2009), cùng với hiểu biết sâu sắc về hành trình hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia, ông Yosuke đánh giá Việt Nam đã có những bước tiến ấn tượng về phát triển kinh tế-xã hội: thu nhập bình quân đầu người tăng gấp bốn lần trong vòng 15 năm, từ 1.000 USD năm 2008 lên 4.110 USD năm 2023, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 93% theo số liệu năm 2023 của Bộ Y tế Việt Nam; và số người có trình độ đại học tăng hơn gấp đôi, tăng từ 20% năm 2008 lên 45% năm 2022 theo dữ liệu của UNESCO.
Trong tiến trình ấy, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản cũng không ngừng được nâng tầm. Từ "Đối tác chiến lược" năm 2009 đến "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới" vào năm 2023, hợp tác giữa hai nước ngày càng sâu rộng và thực chất, trong đó JICA đóng vai trò cầu nối hiệu quả, chuyển tải những giá trị phát triển vì con người.

Đường sắt nội đô tuyến 1, thành phố Hồ Chí Minh khánh thành ngày 9/3/2025.
Một trong những minh chứng tiêu biểu cho sự đồng hành lâu dài của JICA là tuyến số 1 đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh - tuyến tàu điện ngầm đầu tiên tại Việt Nam - đánh dấu bước ngoặt về phát triển giao thông bền vững. Nhưng hơn cả hạ tầng, JICA đặt trọng tâm vào con người: từ các chương trình cải cách luật pháp, hỗ trợ y tế, giáo dục, đến phát triển nguồn nhân lực trình độ cao.
Trường Đại học Việt Nhật, được thành lập năm 2014, là biểu tượng cho tầm nhìn chiến lược và cam kết lâu dài giữa hai quốc gia trong lĩnh vực giáo dục, hiện đã đào tạo hơn 1.000 sinh viên. Đồng thời, chương trình gửi chuyên gia, tình nguyện viên và hỗ trợ kỹ thuật của JICA cũng đang hoạt động trên khắp cả nước, từ các thành phố lớn đến các vùng núi phía bắc như Sơn La - nơi JICA triển khai các dự án thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ sinh kế cho cộng đồng dễ tổn thương.

Ngày hội trải nghiệm Open Campus của Trường Đại học Việt Nhật.
Trong lĩnh vực lao động, JICA đã nắm bắt xu hướng mới khi số lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản vượt 570.000 người vào năm 2024. Những nỗ lực mới đang được JICA thúc đẩy nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn và tôn trọng phẩm giá con người.
Hợp tác mới trong thời đại mới
Với phương châm “hợp tác từ trái tim đến trái tim”, JICA luôn hướng đến những giá trị bền vững, phù hợp với chính sách “Tuần hoàn hợp tác phát triển” mới của Nhật Bản.
Điều này không chỉ giúp Việt Nam giải quyết các thách thức trong nước mà còn mở ra cơ hội hợp tác đôi bên cùng có lợi. Thí dụ như mô hình kết nối giữa các địa phương hai nước để cùng phục hồi kinh tế, đối phó với già hóa dân số, hay nâng cao năng lực y tế-giáo dục.

Một tình nguyện viên Nhật Bản cùng các em học sinh trong giờ học mỹ thuật.
Đến nay, hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản đã tham gia các chương trình hỗ trợ của JICA, mở ra hướng hợp tác mới trong khu vực tư nhân, song song với các hoạt động truyền thống trong khu vực công.
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều khủng hoảng chồng chéo - từ biến đổi khí hậu đến dịch bệnh, xung đột và già hóa dân số - JICA tin rằng việc đặt con người làm trung tâm trong mọi chiến lược phát triển là điều kiện tiên quyết để xây dựng một xã hội kiên cường và bao trùm.
Tại Việt Nam, JICA sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác theo hướng linh hoạt, sáng tạo và nhân văn hơn - không chỉ bằng các khoản đầu tư, mà bằng chính sự kết nối, sẻ chia và thấu hiểu giữa những con người từ hai nền văn hóa.