Jimmy Carter: Người định nghĩa khái niệm 'hậu tổng thống'

Sự nghiệp của ông Jimmy Carter - chủ nhân Nobel Hòa bình năm 2002 - được cho là chỉ thực sự bắt đầu sau khi ông trở thành cựu tổng thống Mỹ.

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, người vừa qua đời hôm 29-12 trong vòng tay gia đình ở tuổi 100, đã trải qua một nhiệm kỳ bị rung chuyển bởi những đòn giáng vào nền kinh tế và vị thế của Mỹ ở nước ngoài, theo đài CNN.

Trái lại, bằng 43 năm "nghỉ hưu" không biết mệt mỏi sau đó, ông Carter đã trở thành một trong những chính khách được trọng vọng nhất nước Mỹ.

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter trong một chuyến thăm Đại học Washington năm 1991 - Ảnh: ĐẠI HỌC WASHINGTON

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter trong một chuyến thăm Đại học Washington năm 1991 - Ảnh: ĐẠI HỌC WASHINGTON

Nhiệm kỳ sóng gió

Ông Jimmy Carter, xuất thân là nông dân trồng đậu phộng ở bang Georgia, sau đó trở thành lính tàu ngầm Hải quân Mỹ và Thống đốc bang Georgia trước khi trở thành tổng thống Mỹ thứ 39 vào năm 1977.

Khi nhậm chức, ông đã hứa sẽ lãnh đạo một chính phủ “tốt, trung thực, đàng hoàng, nhân hậu và tràn đầy tình yêu thương như người dân Mỹ”.

Vị cựu tổng thống Đảng Dân chủ này đã đạt được những thành công đáng kể trong nhiệm kỳ, đặc biệt là trong công tác đối ngoại.

Ông đã tạo ra một thỏa thuận hòa bình Trung Đông hiếm có và bền vững cho đến nay giữa Israel và Ai Cập, chính thức hóa việc cựu Tổng thống Richard Nixon mở cửa với Trung Quốc và đưa nhân quyền trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Nhưng cuối cùng ông Carter đã bị đánh bại bởi cuộc khủng hoảng con tin kéo dài 444 ngày ở Iran, khi hàng chục người Mỹ đã bị bắt giữ ở Tehran bởi một nhóm sinh viên nổi dậy.

Các rắc rối đã trở nên trầm trọng hơn bởi những khó khăn trong nước xảy ra cùng thời điểm, bao gồm nền kinh tế trì trệ, lạm phát và khủng hoảng năng lượng.

Thời kỳ "hậu tổng thống" rực rỡ

Nhiệm kỳ của ông Carter kết thúc vào năm 1981 sau chiến dịch tái tranh cử thất bại trước cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Ông trở thành cựu tổng thống ở tuổi 58.

“Là một trong những cựu tổng thống trẻ tuổi nhất, tôi mong đợi mình sẽ có nhiều năm hữu ích ở phía trước” - ông Carter từng viết trong cuốn hồi ký “Keeping Faith” xuất bản năm 1982.

Ông đã chứng minh điều đó bằng cách trở thành biểu tượng nhân đạo.

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tại lễ trao giải Nobel Hòa bình năm 2002 ở Oslo - Na Uy - Ảnh: BẢO TÀNG NORSK TEKNISK

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tại lễ trao giải Nobel Hòa bình năm 2002 ở Oslo - Na Uy - Ảnh: BẢO TÀNG NORSK TEKNISK

Trong hơn bốn thập kỷ, ông Carter và cựu Đệ nhất phu nhân Rosalynn Carter cũng như tổ chức của họ - có trụ sở tại Atlanta - đã theo dõi các cuộc bầu cử tại các điểm nóng.

Họ đàm phán nhằm đấu tranh chống đói nghèo và tình trạng vô gia cư, chống lại bệnh tật và dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy sức khỏe cộng đồng ở các nước đang phát triển.

Trong quá trình này, ông Carter đã làm điều mà người Mỹ cho là "định nghĩa lại khái niệm hậu tổng thống", mở ra con đường mà sau này các cựu Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush theo đuổi bằng các hoạt động ở châu Phi.

Những nỗ lực của ông thay mặt cho Trung tâm Carter, được thành lập để “mang lại hòa bình, chống lại bệnh tật và xây dựng hy vọng”, đã mang về cho ông Giải Nobel Hòa bình năm 2002.

Ngay cả khi đã già, ông Carter vẫn là một nhân vật chính trị gây chia rẽ.

Ông được cho là một thành viên khó chịu của câu lạc bộ cựu tổng thống Mỹ, đôi khi làm những người kế nhiệm như ông Clinton thất vọng và chỉ trích chính sách đối ngoại của các ông George W. Bush, Barack Obama, chỉ trích các đồng minh của Mỹ như Israel.

Trong những năm gần đây, ông cảnh báo về tác động ăn mòn đối với nền chính trị Mỹ của một Nhà Trắng nhiều bê bối.

Điều này cũng giống như ông đã làm khi lời chỉ trích của ông về thời kỳ cựu Tổng thống Richard Nixon, góp phần giúp ông đánh bại ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 1976.

Từng khuyên người Mỹ đừng bầu cho ông Trump lần nữa

Vào tháng 9-2019, ông Carter đã cảnh báo người Mỹ không nên bầu lại Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.

Mặc dù vậy, tổng thống đắc cử vẫn dành những lời tốt đẹp cho cựu tổng thống Carter khi được tin ông qua đời.

“Những thách thức mà ông Jimmy phải đối mặt với tư cách tổng thống đã đến vào thời điểm quan trọng đối với đất nước chúng ta và ông đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để cải thiện cuộc sống của tất cả người Mỹ. Vì điều đó, tất cả chúng ta đều nợ ông lòng biết ơn" - ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.

Được vinh danh với giải Nobel Hòa bình năm 2002

Theo trang Nobel Prize, giải Nobel Hòa bình năm 2002 được trao cho ông Jimmy Carter "vì nhiều thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột quốc tế, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, và thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội".

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nhận giải Nobel Hòa bình năm 2002 tại Tòa thị chính Oslo - Na Uy- Ảnh: BẢO TÀNG NORSK TEKNISK

Tổ chức này cho rằng Hiệp định Trại David giữa Israel và Ai Cập mà ông đã thúc đẩy khi còn tại vị "đã là một thành tựu đủ lớn để nhận giải Nobel Hòa bình".

Trong khi đó, công việc tại Trung tâm Carter của ông đã giúp giải quyết xung đột rất sâu rộng và bền bỉ trên nhiều châu lục.

Ông đã thể hiện cam kết nổi bật đối với quyền con người và đã làm quan sát viên tại vô số cuộc bầu cử trên khắp thế giới; làm việc chăm chỉ trên nhiều mặt trận để chống lại các bệnh nhiệt đới và mang lại sự tăng trưởng và tiến bộ ở các nước đang phát triển.

"Do vậy, ông Carter đã tích cực trong một số lĩnh vực nổi bật trong hơn một trăm năm lịch sử Giải thưởng Hòa bình" - Ủy ban Nobel Hòa bình cho biết.

Cũng theo ủy ban này, trong bối cảnh có nhiều thách thức địa chính trị của năm 2002, ông Carter vẫn giữ nguyên nguyên tắc rằng xung đột phải được giải quyết thông qua hòa giải và hợp tác quốc tế, dựa trên luật pháp quốc tế, tôn trọng nhân quyền và phát triển kinh tế.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/jimmy-carter-nguoi-dinh-nghia-khai-niem-hau-tong-thong-196241230095536244.htm