Kashmir – Mồi lửa dai dẳng giữa hai cường quốc hạt nhân Nam Á
Cuộc tấn công của Ấn Độ vào rạng sáng 7/5 là phản ứng sau vụ khủng bố đẫm máu xảy ra cách đây hai tuần ở Kashmir – vùng lãnh thổ mà nước này từ lâu đã tranh chấp với Pakistan.

Chuyển du khách bị thương trong vụ tấn công hôm 22/4 tại Pahalgam, thuộc khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Ảnh: ANI/TTXVN
Ấn Độ ngày 7/5 tuyên bố họ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Pakistan, khiến căng thẳng lại leo thang giữa hai cường quốc hạt nhân Nam Á.
Các cuộc tấn công diễn ra sau khi 26 người, phần lớn là khách du lịch, thiệt mạng trong một vụ tấn công khủng bố ở Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hôm 22/4. Chính phủ Ấn Độ cho biết vụ tấn công đẫm máu này có "liên hệ xuyên biên giới" với Pakistan, nhưng phía Islamabad phủ nhận liên quan.
Dưới đây là thông tin toàn cảnh của tờ New York Times về cuộc không kích mới nhất, vụ tấn công ở Kashmir và lịch sử căng thẳng kéo dài giữa Ấn Độ và Pakistan – hai nước cùng tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này.
Cuộc không kích diễn ra ở đâu trên lãnh thổ Pakistan?
Ấn Độ tuyên bố đã tấn công nhiều địa điểm trong lãnh thổ Pakistan và khu vực Kashmir bên phía Pakistan quản lý, trong khi giới chức quân sự Pakistan xác nhận 5 địa điểm bị nhắm tới.
Người dân tại Muzaffarabad – thủ phủ phần Kashmir do Pakistan quản lý – cho biết họ nghe thấy tiếng máy bay phản lực bay ngang qua. Một địa điểm ở vùng nông thôn gần Muzaffarabad, từng được nhóm phiến quân Lashkar-e-Taiba sử dụng, dường như đã bị tấn công.
Người phát ngôn quân đội Pakistan cho biết bốn địa điểm khác cũng bị tấn công, trong đó có Bahawalpur thuộc tỉnh Punjab – nơi đặt một trường dòng liên quan đến nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad, và thành phố Kotli ở Kashmir do Pakistan kiểm soát. Quân đội Pakistan cũng khẳng định đã bắn hạ ba máy bay Ấn Độ trên không phận của đối phương, sau khi các máy bay này thực hiện không kích.
Chính phủ Ấn Độ tuyên bố: “Hành động của chúng tôi là có mục tiêu, có tính toán và không nhằm leo thang. Không có cơ sở quân sự nào của Pakistan bị tấn công.”
Đáp lại, chính phủ Pakistan cảnh báo: “Cuộc vui ngắn hạn của Ấn Độ sẽ bị thay thế bằng nỗi đau dài lâu. Hành động này sẽ không bị bỏ qua”.

Tòa nhà bị phá hủy sau vụ tấn công bằng tên lửa của Ấn Độ tại Muzaffarabad thuộc khu vực Kashmir do Pakistan quản lý, ngày 7/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Vụ tấn công ở Kashmir diễn ra như thế nào?
Hôm 22/4, 26 người đã thiệt mạng và 17 người khác bị thương ở thung lũng Baisaran, Kashmir, khi các tay súng tiếp cận và nổ súng vào họ.
Ngoài một người bản địa, số người thiệt mạng còn lại đều là khách du lịch theo đạo Hindu. Lời kể của người sống sót cho thấy nhiều nạn nhân bị nhắm mục tiêu sau khi bị tra hỏi về tôn giáo.
Vụ việc xảy ra gần Pahalgam – một thị trấn phía Nam vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý – và được xem là một trong những vụ tấn công nghiêm trọng nhất nhằm vào dân thường Ấn Độ trong nhiều thập niên.
Một nhóm tự xưng là Mặt trận Kháng chiến đã lên tiếng nhận trách nhiệm trên mạng xã hội. Giới chức Ấn Độ cho rằng nhóm này thực chất là bình phong của Lashkar-e-Taiba – tổ chức khủng bố có trụ sở ở Pakistan.
Lực lượng an ninh Ấn Độ sau đó đã triển khai một chiến dịch trấn áp quy mô lớn, bắt giữ hàng ngàn người tại Kashmir.
Phía Pakistan nói gì?
Pakistan phủ nhận việc tài trợ cho các nhóm khủng bố hoạt động tại Kashmir, dù các lãnh đạo nước này thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ với người Kashmir muốn độc lập khỏi Ấn Độ. Pakistan cũng thừa nhận rằng họ từng tài trợ và huấn luyện cho các nhóm vũ trang trong thập niên 1990.
Sau vụ tấn công hôm 22/4, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Muhammad Asif khẳng định các nhóm như Lashkar-e-Taiba đã không còn hoạt động.
Ông Majid Nizami – một chuyên gia về các tổ chức thánh chiến ở Lahore – cho biết áp lực từ Lực lượng Hành động Tài chính (FATF) đã buộc Pakistan siết chặt kiểm soát tài chính và hoạt động của các nhóm như Lashkar-e-Taiba. Việc Ấn Độ tăng cường kiểm soát biên giới cũng khiến việc xâm nhập từ Pakistan sang Kashmir trở nên “gần như không thể.”
Nguồn cơn cuộc xung đột

Lực lượng an ninh Ấn Độ tuần tra dọc đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) phân chia khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh: ANI/TTXVN
Xung đột Kashmir bắt nguồn từ cuộc chia cắt lãnh thổ Ấn Độ thuộc Anh vào năm 1947, khi hai quốc gia mới – Ấn Độ (đa số theo đạo Hindu) và Pakistan (đa số theo đạo Hồi) – được thành lập.
Tháng 10 năm đó, vị quân chủ người Hindu của bang Kashmir – nơi có đa số người Hồi giáo – đã chọn gia nhập Ấn Độ, dẫn đến việc Pakistan phát động chiến tranh nhằm giành quyền kiểm soát. Một lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian được ký kết năm 1949, chia cắt Kashmir thành hai phần.
Sau các cuộc chiến năm 1965 và 1971, đường ranh ngừng bắn trở thành Đường Kiểm soát (Line of Control – LoC), với Ấn Độ kiểm soát khoảng 2/3 và Pakistan kiểm soát phần còn lại của Kashmir. Tuy nhiên, tranh chấp vẫn chưa được giải quyết.
Pakistan có từng hỗ trợ các nhóm vũ trang ở Kashmir?
Phong trào nổi dậy ở vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý bắt đầu từ những năm 1980, khởi nguồn từ các bất mãn địa phương, nhưng dần được Pakistan hậu thuẫn.
Cuộc bầu cử năm 1987 bị cáo buộc gian lận khiến nhiều người Kashmir tin rằng con đường chính trị là vô vọng. “Một phong trào nổi dậy bản địa đã nổ ra” - giáo sư Christopher Clary (Đại học Albany) cho biết - “nhưng sau đó nhanh chóng bị các nhóm do Pakistan bảo trợ chiếm lĩnh.”
Một số nhóm vũ trang muốn Kashmir độc lập, số khác muốn vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát được sáp nhập vào Pakistan.
Đến đầu những năm 2000, chính phủ Pakistan cấm hoạt động của Lashkar-e-Taiba và Jaish-e-Mohammad, tuy nhiên các nhóm này tiếp tục hoạt động dưới danh nghĩa khác. Một lệnh ngừng bắn được ký kết và tiến trình hòa bình với Ấn Độ bắt đầu, một phần do sức ép của Mỹ sau vụ khủng bố 11/9/2001.
Tiến trình này sụp đổ sau vụ tấn công Mumbai năm 2008 khiến 166 người thiệt mạng – bị quy trách nhiệm cho Lashkar-e-Taiba.
Nguy cơ leo thang chiến tranh toàn diện
Các chuyên gia cảnh báo, xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân có thể leo thang nhanh chóng và vượt tầm kiểm soát. Trong khi đó, Ấn Độ ngày càng ít bị ràng buộc bởi áp lực quốc tế và sẵn sàng thể hiện sức mạnh khi vị thế kinh tế – ngoại giao gia tăng.
Iran và Saudi Arabia đã đứng ra đối thoại với hai bên, còn Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng điện đàm riêng với Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif và Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar.
Nhiều nước thể hiện sự ủng hộ với Ấn Độ trong việc tìm công lý – điều được cho là “tấm thẻ xanh” cho các hành động tiếp theo. Tuy vậy, Ấn Độ vẫn có thể lựa chọn các hành động giới hạn như không kích chính xác hoặc tấn công đặc nhiệm gần biên giới – để vừa xoa dịu dư luận trong nước, vừa tránh leo thang và rủi ro quân sự.

Lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ tuần tra dọc đường Ranh giới kiểm soát (LOC) phân chia khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh: ANI/TTXVN
Tình hình hiện tại của Kashmir ra sao?
Ấn Độ và Pakistan đã ba lần chiến tranh vì Kashmir, cùng nhiều vụ đụng độ quân sự, đàn áp cảnh sát và khủng bố khiến nhiều dân thường thiệt mạng, bao gồm cả các tín đồ Hindu hành hương.
Từ sau cuộc chiến gần nhất năm 1999, Kashmir vẫn là một trong những khu vực quân sự hóa nặng nề nhất thế giới. Hai nước suýt bùng nổ chiến tranh vào năm 2019, sau vụ đánh bom liều chết làm 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Cũng trong năm 2019, chính phủ Thủ tướng Narendra Modi bãi bỏ quy chế bán tự trị của Jammu và Kashmir – một phần trong chương trình nghị sự dân tộc Hindu của ông. Vùng này từ đó được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của New Delhi.
Chính phủ Ấn Độ áp đặt các biện pháp an ninh khắt khe, cắt đứt liên lạc với bên ngoài, bắt giữ hàng ngàn người, bao gồm lãnh đạo chính trị, nhà hoạt động và thường dân, và đình chỉ các hoạt động dân chủ trong nhiều năm.
Pakistan kịch liệt phản đối động thái này. Tuy nhiên, vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát cũng nổ ra các cuộc biểu tình phản đối chính quyền.
Việc Ấn Độ thiết lập cai quản trực tiếp ở Jammu và Kashmir đã khiến bạo lực giảm sút, và bầu cử được nối lại từ năm ngoái. Tuy nhiên, sự bất mãn với đảng của Thủ tướng Modi – đặc biệt là về cách kiểm soát khắt khe cuộc sống người dân Kashmir – vẫn còn sâu sắc.