Kazakhstan đa dạng hóa các tuyến đường năng lượng
Sự gián đoạn trong việc vận chuyển dầu đến Biển Đen thông qua Hiệp hội Đường ống Caspi đã khiến Kazakhstan phải tìm kiếm những lựa chọn đáng tin cậy.
Zaki Shaikh, nhà phân tích tại Anh và đã từng làm việc với các trường đại học ở các quốc gia Trung Á cho rằng tình hình địa chính trị hiện nay trở nên trầm trọng hơn do xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moskva đã khiến quốc gia Trung Á giàu năng lượng Kazakhstan phải tìm tuyến đường thay thế để vận chuyển khí đốt và dầu của mình đến các thị trường toàn cầu.
Kazakhstan xuất khẩu 80% lượng dầu của mình thông qua Hiệp hội Đường ống Caspi (CPC-vốn qua cảng Novorossiysk quan trọng của Nga ở Biển Đen) và do đó nước này cần phải đa dạng hóa các lựa chọn vận chuyển để trở thành một trung tâm năng lượng và thay thế cho lục địa châu Á.
Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ngày 4/7 bày tỏ lo ngại về những rủi ro đối với an ninh năng lượng toàn cầu và cho biết nước này sẵn sàng giúp ổn định tình hình thị trường châu Âu và thế giới. Ông Tokayev cũng kêu gọi EU hợp tác phát triển các hành lang xuyên lục địa thay thế, bao gồm Tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi (TITR), còn được gọi là Hành lang Trung tâm.
Đây là một mạng lưới đa phương liên kết Trung Quốc và EU thông qua các nền kinh tế Trung Á, Caucasus, Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Âu.
Do các hoạt động của CPC vận chuyển dầu của Kazakhstan đến các cảng Biển Đen qua lãnh thổ Nga có nguy cơ bị đình chỉ, ông Tokayev đã chỉ đạo Công ty Vận tải và Thương mại Quốc gia Kazakhstan có tên KazMunaiGas tìm ra các phương án tốt nhất để sử dụng TITR nhằm đa dạng hóa nguồn cung dầu của Kazakhstan.
Theo chuyên gia năng lượng Kazakhstan Asylbek Zhakiev, vì hầu hết dầu xuất khẩu của Kazakhstan hiện đi qua một đường ống dẫn đến cảng Novorossiysk của Nga trên Biển Đen, nên cần có một loạt các lựa chọn thay thế có thể mang lại giá trị tối ưu vì xuất khẩu sang Trung Quốc có thể tăng hơn nữa.
An ninh kinh tế
Nhà kinh tế năng lượng Kazakhstan Almas Chukin cho rằng, trước nguy cơ đối với an ninh kinh tế của Kazakhstan, cần phải xem xét lại hợp đồng với Nga và chuyển hướng ít nhất 10 triệu tấn dầu sang Trung Quốc. Để xuất khẩu dầu Kazakhstan không bị hạn chế, ông Chukin đã đề xuất một số phương án liên quan đến việc bỏ qua Novorossiysk.
“Một lựa chọn là sử dụng đường ống Atasu-Alashankou hướng về phía Trung Quốc. Nó hiện vận chuyển 12 triệu tấn mỗi năm, trong đó 10 triệu tấn dầu là của Nga”, ông Chukin nói.
Các nguồn tin tại Bộ Năng lượng Kazakhstan đã chỉ ra rằng một số tuyến đường thay thế khác đang được thực hiện như một phần của việc đa dạng hóa hơn nữa xuất khẩu dầu. Một là tải nguồn cung cấp dầu lên các tàu từ cảng Caspi tại Mangistau và Atyrau sau đó vận chuyển đến cảng Baku (Azerbaijan). Từ Azerbaijan, nguồn cung cấp có thể đi qua đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC) và cũng qua các cảng Batumi (Gruzia) và Neka (Iran).
Ông Chukin lập luận rằng có khả năng sử dụng đường sắt Kazakhstan để vận chuyển dầu trực tiếp đến Trung Quốc thay vì sử dụng các vùng lãnh thổ của Nga. Có thể sắp xếp vận chuyển dầu bằng đường sắt đến các nhà máy lọc dầu ở Uzbekistan và Kyrgyzstan.
Ngoài ra, ông Chukin lưu ý rằng có hai giải pháp toàn diện hơn: “Chúng tôi có ba cảng ở Caspian: Aktau, Kuryk và Shevchenko để cung cấp năng lượng đến Baku. Đường ống dẫn đến Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động với 50% công suất và do đó có thể có khả năng tăng lên tới 20 triệu tấn. Nhưng cũng cần phải mở rộng dung lượng lưu trữ ở Baku”.
Ngoài ra, Kazakhstan cũng có thể tiếp cận Mỹ và tìm kiếm các ngoại lệ để tránh các lệnh trừng phạt đối với việc xây dựng đường ống Kazakhstan-Turkmenistan-Iran đến Vịnh Ba Tư hoặc qua Thổ Nhĩ Kỳ để ra biển.
Trong bối cảnh tìm kiếm thị trường thay thế, nhà kinh tế Kazakhstan Almaz Abildaev cho rằng có khả năng mở rộng nguồn cung vào Trung Quốc và thực hiện một loạt các biện pháp để nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng hậu cần của Kazakhstan cho các nhu cầu trong tương lai. Do đó, chuyên gia này lưu ý sự cần thiết phải mở rộng và cải thiện các mối liên kết với đường ống Alashnkou nằm dọc biên giới với Trung Quốc.
Ông Abildaev nêu rõ: “Nguồn cung dầu mà Trung Quốc không yêu cầu vẫn có thể được vận chuyển tới các bờ biển phía Đông của Trung Quốc tới các kho chứa có thể được thuê hoặc xây dựng chung để vận chuyển tới Việt Nam, Hàn Quốc và các thị trường khác ở châu Á”.
Để đa dạng hóa các phương tiện nhằm đảm bảo nguồn cung cấp dầu không bị gián đoạn cho các khách hàng của mình, Tổng thống Kazakhstan Tokayev đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng của Đường sắt Kazakhstan phát triển mạng lưới phát triển vận tải và hậu cần của nước này. Các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung cấp dầu ổn định và thông suốt. Chúng bao gồm việc tìm kiếm các phương án thay thế để đa dạng hóa các lựa chọn vận chuyển.
Ưu tiên hàng đầu sẽ được dành cho việc thúc đẩy TITR và nâng cấp các đường cao tốc nối các trung tâm dân cư và sản xuất lớn ở phía Tây Kazakhstan bao gồm Aktube, Atyrau, Aktubinsk, với các thành phố ở phía Đông như Almaty, Karaganda, Taldy Kurgan và Ust Kamengorsk.
Theo Bekzhan Sadykov thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Kazakhstan, các hành lang giao thông được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh trong tương lai và thúc đẩy hoạt động kinh tế cho người dân sống dọc theo các tuyến đường đó.
Chúng sẽ giúp tạo ra việc làm mới và cho phép nông dân, nhà sản xuất và thương nhân tạo thu nhập để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và trên hết sẽ vận chuyển các sản phẩm của nước này đến thị trường toàn cầu.