KCNA: Triều Tiên sẽ phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên
Cuộc thử nghiệm 'ở giai đoạn cuối quan trọng' trong việc phát triển các vệ tinh do thám tại Cơ sở phóng vệ tinh Sohae ở Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan, Triều Tiên, ngày 18/12/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 30/5 đưa tin Triều Tiên sẽ phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên vào tháng 6 tới để chống lại các hành động quân sự của Mỹ.
Trong khi đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định bất kỳ vụ phóng vệ tinh nào của Triều Tiên đều sẽ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ cấm Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa.
Trước đó, Triều Tiên đã thông báo cho Chính phủ Nhật Bản kế hoạch phóng một vệ tinh vào vũ trụ trong khoảng thời gian từ ngày 31/5 đến ngày 11/6 tới.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã hối thúc Triều Tiên rút lại kế hoạch phóng vệ tinh và cam kết hợp tác với cộng đồng quốc tế để ứng phó với những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Hàn Quốc cũng triệu tập họp khẩn sau thông tin về kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên.
Theo giới chức Hàn Quốc, các thành viên NSC đã thảo luận các biện pháp đối phó sau khi nhận được thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc. NSC đã truyền đạt lại thông tin liên quan cho Tổng thống Yoon Suk-yeol và cho biết Chính phủ Hàn Quốc "đang theo dõi sát các diễn biến liên quan".
Trước đó, ngày 29/5, Nhật Bản đã đặt hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trong tình trạng báo động, đồng thời cảnh báo sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào đe dọa lãnh thổ của nước này. Động thái này diễn ra sau khi Nhật Bản nhận được thông báo của Triều Tiên về kế hoạch phóng một vệ tinh, có thể diễn ra vào khoảng thời gian từ ngày 31/5 đến ngày 11/6.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng nêu rõ: "Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp chống lại tên lửa đạn đạo và các tên lửa khác được xác nhận là hạ cánh xuống lãnh thổ của chúng tôi".
Theo đó, Nhật Bản sẽ sử dụng tên lửa SM-3 hoặc tên lửa Patriot PAC-3 để ngăn chặn các tên lửa hướng về nước này.
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, Triều Tiên đã tuyên bố hoàn tất công tác chuẩn bị để lắp vệ tinh do thám quân sự đầu tiên lên một tên lửa.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới đây đã tới thị sát một ủy ban chịu trách nhiệm chuẩn bị cho việc phóng vệ tinh do thám quân sự và thông qua “kế hoạch hành động trong tương lai” của ủy ban này.
Đây sẽ là bước đi mới nhất của Triều Tiên trong một loạt vụ phóng tên lửa và thử nghiệm vũ khí những tháng gần đây, trong đó có một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, sử dụng nhiên liệu rắn. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng cho biết Nhật Bản dự đoán Triều Tiên sẽ phóng tên lửa mang theo vệ tinh bay qua chuỗi đảo phía Tây Nam của Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh bất cứ vụ phóng tên lửa nào của Triều Tiên đều sẽ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế. Văn phòng Thủ tướng khẳng định Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ, Hàn Quốc và các nước khác và sẽ làm tất cả những gì có thể để thu thập và phân tích thông tin từ bất kỳ vụ phóng nào.
Trong diễn biến khác, theo Yonhap, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 30/5 thông báo nước này và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc tham vấn song phương về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân đầu tiên trong vòng 5 năm qua và kêu gọi Triều Tiên ngay lập tức rút lại kế hoạch phóng vệ tinh do thám quân sự.
Vụ trưởng phụ trách hoạch định ngoại giao và không phổ biến vũ khí hạt nhân của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Park Young-hyo đã gặp Vụ trưởng Vụ giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí và khoa học của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Atsushi Kaifu tại đảo Jeju (Hàn Quốc) vào ngày 29/5.
Hai bên bày tỏ quan ngại về mối đe dọa hạt nhân gia tăng cũng như kế hoạch của Triều Tiên phóng vệ tinh do thám trong những tuần tới. Các quan chức hối thúc Triều Tiên hủy kế hoạch phóng, mà họ cáo buộc là vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, theo đó cấm tất cả các vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Hai bên cũng trao đổi quan điểm về những thách thức đối với cơ chế giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, đồng thời thảo luận cách thức tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực liên quan.