KDI hạ dự báo tăng trưởng năm 2025 của Hàn Quốc xuống 1,6%
Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) - một tổ chức nghiên cứu kinh tế lớn do nhà nước điều hành - hôm 11/2 đã hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc trong năm nay xuống còn 1,6%, giảm 0,4 điểm % so với dự báo trước đó được đưa ra vào tháng 11 năm ngoái, với lý do tình hình bất ổn gia tăng cả trong và ngoài nước.
![Người dân tại khu chợ Namdaemun ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_294_51448870/1380634f5601bf5fe610.jpg)
Người dân tại khu chợ Namdaemun ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc dẫn báo cáo mới nhất của KDI cho biết nguyên nhân của việc điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng là do ở trong nước, tình hình bất ổn chính trị đã làm suy yếu tâm lý kinh tế, trong khi ở bên ngoài, những thay đổi chính sách tại Mỹ đã làm xấu đi tình hình thương mại.
Dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc của KDI bi quan hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức lớn khác, bao gồm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ở mức 2,1%, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở mức 2% và Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ở mức 1,9%.
Tháng trước, BoK cũng cho biết tăng trưởng kinh tế của nước này có thể chậm lại ở mức thấp là 1,6%, với lý do bất ổn chính trị bắt nguồn từ việc luận tội và truy tố hình sự Tổng thống Yoon Suk Yeol, người đã áp đặt thiết quân luật trong thời gian ngắn vào tháng 12 năm ngoái.
Chuyên gia Jung Kyu Chul - người đứng đầu bộ phận phân tích kinh tế vĩ mô của KDI - cho rằng, nền kinh tế Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn suy thoái, khi nhiều tổ chức dự đoán mức tăng trưởng ở mức từ giữa đến cuối 1%.
Theo ông Jung Kyu Chul, việc tăng thuế quan gần đây của Mỹ và sự bất ổn ngày càng tăng trong chính sách thương mại đã làm tăng đáng kể rủi ro và mức độ bất ổn đã tăng quá cao. Ngoài tác động trực tiếp từ các hạn chế thương mại của Mỹ, sự suy thoái kinh tế ở các nước lớn khác có thể làm giảm thêm xuất khẩu của Hàn Quốc.
KDI dự báo rằng xuất khẩu của Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, dự kiến sẽ chậm lại đáng kể trong năm nay, do căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng. Theo đó, ngoài lĩnh vực xuất khẩu chip/chất bán dẫn vẫn duy trì được đà tăng trưởng thì hầu hết các ngành công nghiệp quan trọng khác đều đang phải vật lộn để đạt được đà tăng trưởng.
KDI dự báo thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc sẽ đạt khoảng 90 tỷ USD trong năm nay, sau mức thặng dư 99,04 tỷ USD vào năm 2024 do tăng trưởng xuất khẩu suy yếu.
Theo KDI, nhu cầu trong nước chậm lại là một nguyên nhân nữa khiến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc bị giảm. Tiêu dùng tư nhân dự kiến tăng lên mức 1,6% trong năm nay so với mức 1,1% của năm 2024. Tuy nhiên, con số này đã được điều chỉnh giảm so với mức dự kiến 1,8% được đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái, phản ánh tâm lý kinh tế suy yếu do tình hình bất ổn chính trị.
Ngành xây dựng ở Hàn Quốc dự kiến sẽ suy giảm năm thứ 2 liên tiếp, giảm 1,2% trong năm nay, sau mức giảm 2,7% vào năm ngoái. Trong khi đó, đầu tư vào cơ sở vật chất dự kiến sẽ tăng 2% trong năm nay, tăng nhẹ so với mức tăng 1,8% được ghi nhận vào năm 2024.
Hôm 10/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký tuyên bố áp dụng mức thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu như một phần trong nỗ lực mạnh mẽ nhằm thiết lập lại động lực thương mại toàn cầu.
Chuyên gia Jung Kyu Chul cho biết, KDI có thể sẽ hạ thấp hơn nữa dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc nếu các hành động thương mại của Tổng thống Trump gia tăng hoặc tình hình chính trị bất ổn trong nước vẫn tiếp diễn.