Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề cập các lĩnh vực ưu tiên vốn tín dụng, tạo đà tăng GDP trên 8%
Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát được tổ chức ngày 11/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành ngân hàng sẽ tập trung tối đa vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8% trở lên.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại hội nghị cho thấy, tín dụng toàn hệ thống chưa tăng nhanh trong giai đoạn đầu năm 2025 theo quy luật mùa vụ đầu năm và thời điểm Tết Nguyên đán nhưng đã có những dấu hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ. Đến ngày 03/02/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với năm 2024, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (giảm 0,6%).
Ngân hàng tăng tín dụng nếu lạm phát thấp
Về cơ cấu tín dụng, theo NHNN, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành đều được cải thiện so với cùng kỳ năm 2023, cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất (68,7%, tăng 15,8%), tiếp theo là ngành công nghiệp và xây dựng (24,75%, tăng 13,95%) và nông, lâm, thủy sản (6,55%, tăng 7,36%). Cùng với đó, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Hướng tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh
Theo NHNN, tín dụng tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Một số lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ nền kinh tế như: nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 24%, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm gần 18%; hoặc có tốc độ tăng trưởng tích cực: lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng lần lượt 28,26% và 42,24% so với cuối năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2025, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 16% và sẽ điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế.
Nếu lạm phát duy trì ở mức thấp, NHNN có thể tăng tín dụng để kích thích tăng trưởng. Ngược lại, nếu có dấu hiệu rủi ro thì chính sách tín dụng sẽ được điều chỉnh để đảm bảo ổn định vĩ mô.
Cũng theo Thống đốc NHNN, một trong những ưu tiên của NHNN năm nay là thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đây là khu vực tạo ra nhiều việc làm và đóng góp lớn vào nền kinh tế.
Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ khai thác mạnh mẽ tín dụng tiêu dùng, bởi khi tiêu dùng tăng thì doanh nghiệp sẽ có động lực sản xuất, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, từ tháng 1/2026, hàng hóa xuất khẩu vào nhiều thị trường quốc tế sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe. Vì vậy, tín dụng xanh trở thành một yếu tố quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. NHNN khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay các dự án thân thiện với môi trường, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho doanh nghiệp khi xuất khẩu.
"Nếu không làm tốt điều này, không chỉ tăng trưởng xuất khẩu bị ảnh hưởng mà còn có nguy cơ gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng" - Thống đốc lưu ý.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đang tập trung xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Bốn ngân hàng yếu kém đã được chuyển giao bắt buộc, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoản nợ tồn đọng cần giải quyết. NHNN đã trình Chính phủ phương án cho vay đặc biệt để hỗ trợ các ngân hàng này cũng như về lâu dài mong muốn Chính phủ xem xét luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, giúp hệ thống ngân hàng có cơ sở pháp lý vững chắc hơn.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, Thống đốc nhận định, chuyển đổi số là yếu tố then chốt giúp ngành ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động. Hiện nay, NHNN đang phối hợp với Bộ Công an để khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, từ đó hỗ trợ các ngân hàng trong việc xác thực thông tin khách hàng. Đồng thời, NHNN cũng nghiên cứu xây dựng cơ chế sandbox (thử nghiệm có kiểm soát) để khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính.
Tập trung các giải pháp trọng tâm
Trong bối cảnh còn nhiều thách thức do kinh tế thế giới tiếp tục biến động và các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản chưa thực sự ổn định, để đạt mục tiêu GDP tăng trưởng trên 8%, thậm chí phấn đấu đạt 10%, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN năm 2025, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm.
Theo đó, trong điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng. Cơ quan này sẽ theo dõi sát sao diễn biến kinh tế toàn cầu, từ đó đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp.
"NHNN sẽ điều tiết lãi suất một cách hợp lý, yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn" - lãnh đạo NHNN nêu rõ.
Đối với tín dụng ngành, lĩnh vực đáng chú ý như nông nghiệp, nông thôn, NHNN đã phối hợp các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP trong tháng 3/2025; tiếp tục phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai quyết liệt các chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như Chương trình cho vay liên kết thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Riêng đối với Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, NHNN sẽ rà soát để xem xét chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục nâng quy mô (khoảng 100.000 tỷ đồng) và mở rộng phạm vi đối tượng thành lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Về lĩnh vực bất động sản, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng, cung ứng vốn đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng nhằm hỗ trợ cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, rà soát, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống ngân hàng và khách hàng vay vốn. Một trong những điểm nhấn là áp dụng công nghệ số trong cấp tín dụng, giúp quy trình vay vốn trở nên minh bạch, nhanh chóng hơn./.