Kê biên, phong tỏa cả ngàn bất động sản, hàng ngàn tỷ đồng
Hôm nay (07/3/2024), ngày thứ 3 của phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), đại diện Viện KSND Tối cao đã công bố xong cáo trạng truy tố các bị cáo nên Hội đồng xét xử (HĐXX) của TAND TPHCM bắt đầu phần xét hỏi đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm.
Mua dự án ngàn tỷ không cần thanh toán
Hôm qua, lúc 8 giờ 10 ngày 06/3/2024, các bị cáo được đưa vào phòng xử án và HĐXX tiếp tục làm việc. Đại diện Viện KSND Tối cao tiếp tục công bố cáo trạng, trong đó đáng chú ý là phần truy tố bị cáo Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty Tường Việt) đã thực hiện hành vi giúp sức, đồng phạm với bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 4.752 tỷ đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh là hơn 605 tỷ đồng.
Hành vi phạm tội tham ô tài sản của Dương Tấn Trước bị cáo trạng quy kết như sau: Dương Tấn Trước quen biết bị cáo Trương Mỹ Lan từ cuối năm 2020. Khoảng tháng 4/2021, bị cáo Trương Mỹ Lan trao đổi, thỏa thuận với Dương Tấn Trước về việc chuyển nhượng dự án Thanh Yến cho Dương Tấn Trước và Công ty Tường Việt với giá 2.500 tỷ đồng, nhưng không phải thanh toán tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng SCB, số tiền nhận nợ sẽ là 3.500 tỷ đồng. Ngoài ra, Dương Tấn Trước còn nhận của bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.697 tỷ đồng, trong số này Trước đã đưa lại cho bà Trương Mỹ Lan hơn 492 tỷ đồng (thông qua Trương Huệ Vân). Đến nay, còn hơn 2.204 tỷ đồng nên bị cáo Dương Tấn Trước xin tự nguyện trả lại toàn bộ số tiền này cho bị cáo Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả vụ án.
Đối với hành vi phạm tội của Cao Việt Dũng (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tường Việt), cáo trạng xác định Dũng đã ký nhiều thủ tục để hợp thức hóa hồ sơ vay, với phương án vay vốn khống tại Ngân hàng SCB trong khi không có nhu cầu vay vốn.
Đến chiều 06/3/2024, đại diện Viện KSND Tối cao tiếp tục công bố cáo trạng truy tố bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm. Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan từ ngày 01/10/2012 đến ngày 07/10/2022 đã cùng các đồng phạm lập số lượng lớn hồ sơ vay vốn khống để rút số tiền đặc biệt lớn. Trong đó, từ ngày 01/01/2012 đến ngày 31/12/2017, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB, sử dụng vào các mục đích khác nhau. Đến ngày 17/10/2022, còn dư nợ hơn 132.247 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 64.621 tỷ đồng. Từ ngày 09/02/2018 đến ngày 07/10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền hơn 304.096 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 129.372 tỷ đồng...
Cáo trạng xác định bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình là Chủ tịch HĐQT Công ty Times Square vào năm 2012, giúp sức cho vợ chiếm đoạt và gây hậu quả đặc biệt lớn cho Ngân hàng SCB. Bị cáo Chu Lập Cơ đã ký biên bản họp Đại hội đồng cổ công Công ty Times Square ngày 10/12/2012 để thế chấp tài sản, bảo lãnh nợ vay cho 73 khoản vay, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 9.116 tỷ đồng. Cáo trạng cũng cáo buộc hàng loạt bị cáo khác, trong đó có Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) đã giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của Ngân hàng SCB.
Đối với nhóm bị cáo thuộc đoàn thanh tra của Tổ giám sát Ngân hàng SCB và Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, liên quan đến hành vi phạm tội nhận tiền, quà hối lộ từ bị cáo Trương Mỹ Lan để giúp che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm của Ngân hàng SCB bị phát hiện qua thanh tra, tạo điều kiện cho ngân hàng này không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu. Bị cáo Trương Mỹ Lan đã gặp gỡ, bàn bạc, trao đổi với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (nguyên Trưởng đoàn thanh tra) rồi chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) tiếp xúc, đặt vấn đề, trực tiếp đưa 5,2 triệu USD cho bà Nhàn và đưa tiền, quà "bồi dưỡng" các thành viên khác trong đoàn thanh tra.
Phong tỏa, kê biên rất nhiều tài sản
Viện KSND Tối cao cũng công bố nội dung cáo trạng liên quan đến việc kê biên, phong tỏa, thu giữ, tạm giữ tài sản liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm. Cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng đã thu giữ, tạm giữ hơn 589 tỷ đồng và hơn 14,9 triệu USD. Trong đó, liên quan đến 14,5 triệu USD mà bị cáo Trương Mỹ Lan đưa cho Tạ Hùng Quốc Việt, bị cáo Trương Mỹ Lan đã thừa nhận.
Về việc thu giữ 190.000 USD của Trần Văn Hùng (nhân viên tòa nhà Sherwood, số 127 Pasteur, P.Võ Thị Sáu, Q3), căn cứ lời khai của Phạm Ngọc Hiếu (tài xế riêng của bị cáo Chu Lập Cơ) rằng được bị cáo Trương Mỹ Lan giao dọn dẹp, vệ sinh đồ đạc tại căn hộ, có giữ một thùng giấy chứa tiền và tài liệu của Chu Duyệt Phấn (con gái bị cáo Trương Mỹ Lan). Sau đó, Hùng cất giữ thùng giấy chứa tiền và tài liệu tại chỗ ở của Hùng ở P8, Q6. Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của Trần Văn Hùng, thu giữ 190.000 USD và một số tài liệu của Chu Duyệt Phấn. Số tiền này đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan CSĐT - Bộ Công an theo quy định, để khắc phục hậu quả đối với hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan trong vụ án.
Cạnh đó, cơ quan điều tra xác định bị cáo Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho Nguyễn Phú Tiên làm Giám đốc Công ty TNHH MTV An Nhựt Tân Long An. Đối với 100% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Châu (chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Chợ Mới, diện tích 16,17 héc-ta tại TT.Cần Giuộc, H.Cần Giuộc, Long An), bị cáo Trương Mỹ Lan đã thống nhất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho các cá nhân, do Công ty cổ phần Sơn Long Thọ đã thanh toán 270 tỷ đồng, trong đó có 50 tỷ đồng chuyển cho Lê Trần Hùng (được Nguyễn Phú Tiên giao đứng tên cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Châu) và Hùng đã chuyển 50 tỷ đồng vào tài khoản của Nguyễn Phú Tiên. Ngày 01/6/2023, Nguyễn Phú Tiên đã nộp 50 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan CSĐT - Bộ Công an để khắc phục hậu quả mà bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt trong vụ án.
Kết quả điều tra cũng xác định bị cáo Trương Mỹ Lan đã giao cho các cá nhân nắm giữ 120.474.002 cổ phần (chiếm 66,93% vốn điều lệ Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương), tương ứng trị giá hơn 1.204 tỷ đồng. Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương đã tự nguyện chuyển hơn 414 tỷ đồng để khắc phục số tiền bị cáo Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt trong vụ án.
Cơ quan điều tra đã tiến hành phong tỏa 43 tài khoản ngân hàng của các bị cáo và các cá nhân đứng tên giùm các bị cáo, với tổng số tiền hơn 1.896 tỷ đồng và 8.479.600 USD. Đồng thời, tiến hành kê biên tài sản là bất động sản tại các công ty liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan đối với 1.237 bất động sản, đã kê biên 22 tài sản là phương tiện, gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ôtô của bị cáo Trương Mỹ Lan và bị cáo Trương Huệ Vân (cháu bà Trương Mỹ Lan) do các pháp nhân đứng tên; thu tiền nộp hàng chục tỷ đồng và hơn 5,3 triệu USD liên quan đến hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ...
Đến 15 giờ 35 ngày 06/3/2024, đại diện Viện KSND Tối cao đọc phần "quyết định" của cáo trạng. Cụ thể, cáo trạng truy tố ra trước TAND TPHCM để xét xử đối với các bị cáo: Trương Mỹ Lan về các tội tham ô tài sản, đưa hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Đinh Văn Thành, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung cùng về các tội tham ô tài sản, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Bùi Anh Dũng về các tội tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động của các tổ chức tín dụng; Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh, Đặng Phương Hoài Tâm, Trương Huệ Vân, Dương Tấn Trước cùng về tội tham ô tài sản; Đỗ Thị Nhàn về tội nhận hối lộ...
Đến 16 giờ ngày 06/3/2024, Viện KSND Tối cao công bố xong cáo trạng truy tố bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm. HĐXX cho biết, hôm nay (ngày 07/3), phiên tòa bước vào phần xét hỏi về hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm. Tất cả bị cáo đều được áp giải đến tòa, riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí do sức khỏe yếu nên được phép không áp giải đến tòa.