Kể chuyện bánh mì nhân ngày bánh mì Việt Nam vào từ điển Oxford
Các chuyên gia văn hóa ẩm thực, nhà nghiên cứu, các đầu bếp nổi tiếng đã cùng nhau chia sẻ những câu chuyện chung quanh bánh mì Việt Nam nhân kỷ niệm ngày 'Bánh mì Việt Nam' được thế giới công nhận và đưa vào từ điển Oxford của Anh 24/3/2011.
Tham gia chia sẻ tại sự kiện “Chuyện về Bánh mì” có Tiến sĩ Vũ Thế Long, chuyên gia nghiên cứu ẩm thực; nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Văn Thao; Tiến sĩ Trần Thu Dung, Chủ tịch Hội trao đổi Văn hóa Việt Nam tại Pháp; ông Lê Anh Vũ - Founder nhà hàng Cincin; ông Hà Hải Đoàn - Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội, founder thương hiệu Bánh mì Phố.
Trả lời câu hỏi “Bánh mì từ đâu tới?”, Tiến sĩ Vũ Thế Long chia sẻ: Từ những năm 50, ở miền bắc Việt Nam, bánh mì thường được gọi là bánh Tây (tức là bánh của người Pháp đưa vào). Do hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh địa lý và những thăng trầm kinh tế mà “bánh tây” hay bánh mì đã dần dần xâm nhập vào đời sống của người dân Việt Nam.
Từ chỗ bị từ chối bởi tâm lý kỳ thị quân xâm lược Pháp như cụ Nguyễn Đình Chiểu trong Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc: “Sống làm chi Mã tà chia rượu nhạt, gậm bánh mì nghe càng thêm hổ”, dần dần bánh mì đã đi vào đời sống của dân Việt từ nam ra bắc.
Từ chỗ bị từ chối, bánh mì đã được tiếp thu, học hỏi, trở thành một món ăn đặc trưng, đó là cả một quá trình dài trong văn hóa ẩm thực Việt.
Tiến sĩ Vũ Thế Long cũng kể lại những kỷ niệm trong ký ức của ông về bánh mì thời bao cấp, thời kỳ còn khó khăn của người Việt. Khi đó, bột mì là thứ bột đắt tiền, khó mua. Bánh mì là thứ thực phẩm sang mà chỉ dân thành phố năm thì mười họa mới được ăn, người nông thôn hiếm có dịp biết tới. Người dân Hà Nội mỗi lần từ nơi sơ tán trở về Hà Nội bao giờ cũng tìm cách mua cho được bánh mì bằng tiền và tem phiếu để làm quà cho gia đình nơi mình sơ tán hay ở nhờ…
Đến nay, bánh mì đã có mặt ở mọi ngóc ngách, góc phố, từ những quầy bánh nhỏ ven đường cho đến những nhà hàng sang trọng, với rất nhiều kiểu, loại phong phú, phục vụ những nhu cầu khác nhau của thực khách.
Tiến sĩ Vũ Thế Long cũng phân tích rằng, bánh mì không phải là món ăn có xuất xứ Việt Nam, nhưng khi hòa nhập với văn hóa Việt, sự tinh tế của người Việt đã khiến cho bánh mì trở thành món ăn đặc trưng Việt Nam và ngon nhất. Bánh mì cũng mang tính chất như một mâm cỗ của người Việt, rất cầu kỳ và phong phú, có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, có đầy đủ các màu sắc và vị. Đây là do sự sáng tạo, do tính cách không từ chối những văn minh từ các dân tộc khác của người Việt, được thể hiện trong văn hóa ẩm thực.
Tiến sĩ Trần Thu Dung - Chủ tịch Hội trao đổi Văn hóa Việt Nam tại Pháp lại chia sẻ một góc nhìn khác từ ngôn ngữ về ẩm thực. Bà cho rằng, ẩm thực Pháp ảnh hưởng khá mạnh mẽ đến ẩm thực Việt Nam, đặc biệt trong ngôn ngữ. Chữ “bánh mì” tiếng Pháp là “Pain de mie”. Ngoài ra, có thể gặp tiếng Pháp ở rất nhiều từ chỉ món ăn, thức ăn của người Việt, như pa-tê, giăm-bông, pho-mát…, Tiến sĩ Trần Thu Dung cũng cho biết, ở nước ngoài bây giờ rất nhiều người thích ăn bánh mì Việt Nam. Bà cũng đưa ra ý kiến rằng, Việt Nam nên đăng ký bản quyền bảo hộ thương hiệu “Bánh mì Việt Nam” và phát triển ra các nước trên thế giới.
Ông Hà Hải Đoàn - Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội, người sáng lập thương hiệu Bánh mì Phố chia sẻ câu chuyện ra đời và phát triển thương hiệu Bánh mì Phố, chuỗi cửa hàng bán bánh mì ra đời từ năm 2015. Từ cửa hàng đầu tiên ở quận Hoàn Kiếm, đến nay Bánh mì Phố đã có 11 cửa hàng tại Hà Nội, có bếp trung tâm và mở rộng phát triển bằng hình thức nhượng quyền. Bánh mì Phố là hình thức đưa món ăn đường phố vào một không gian sang trọng, sạch sẽ nhưng không quá xa cách.
Ông Lê Anh Vũ – người sáng lập nhà hàng Cincin tại Hà Nội chia sẻ về món tủ “bánh mì chảo” với sự giao thoa ẩm thực Việt và Pháp. Trứng lòng đào được chế biến giữ trọn phong cách người Việt: lòng trắng thì giòn rộp và lòng đào dẻo sánh. Ngoài ra, bánh mì nướng kiểu Pháp còn được ăn kèm cùng lạp xưởng tươi có tiêu hạt nhằm tăng vị, pa-tê công thức nhà làm áp xém mặt.
Ông Tạ Đức, nhà nghiên cứu dân tộc học, con trai của ông Tạ Văn Phồn có cửa hàng sản xuất bánh mì Gia Long danh tiếng ở Hà Nội thời những năm 1950, chia sẻ những kỷ niệm về cửa hàng bánh mì ở phố 48 Bà Triệu (xưa gọi là phố Gia Long) cung cấp bánh mì ngon cho người dân. Ông Tạ Đức bật mí, ngày xưa bánh mì Gia Long ngon nổi tiếng Hà Nội do được Đại sứ quán Pháp đặt hàng, cung cấp bột, men và một số nguyên liệu, kết hợp với kỹ thuật làm bánh mà cụ Tạ Văn Phồn học được từ ông chủ hiệu bánh Tây người Pháp mở cửa hiệu đầu tiên tại Hà Nội.
Là món ăn độc đáo không phải xuất xứ từ Việt Nam nhưng đến nay đã đã được Việt hóa và mang đầy đủ những nét tinh hoa của ẩm thực Việt, bánh mì Việt Nam hiện diện ở mọi mặt của đời sống, từ góc phố bình dân đến bàn tiệc sang trọng. Những câu chuyện về bánh mì đã đem lại cho những người trẻ thế hệ sau này cái nhìn đầy đủ hơn về văn hóa bánh mì, thứ đồ ăn hết sức gần gũi, quen thuộc với họ.
Bà Phạm Thanh Hà, Chủ tịch Hội Truyền thông Thành phố Hà Nội thay mặt ban tổ chức chia sẻ: “Thông qua việc tổ chức sự kiện ‘Chuyện về Bánh mì’, chúng tôi mong muốn thu hút sự quan tâm của những nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực, các đầu bếp, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mì cùng thảo luận, chia sẻ để tìm ra những giải pháp bền vững, sáng kiến hay phát triển Bánh mì Việt Nam trong nước và ra quốc tế”.