Kể chuyện lịch sử bằng âm nhạc

Mang câu chuyện lịch sử, chất liệu dân gian vào các sản phẩm âm nhạc đang trở thành xu hướng tại Việt Nam với những hiệu ứng tích cực

Album "Hồn Việt" của nhạc sĩ Hoài An vừa ra mắt gồm những tác phẩm lấy chất liệu từ những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết, cổ tích, như "Công ơn Hùng Vương", "Bánh chưng bánh giầy", "Sơn Tinh, Thủy Tinh", "Truyền thuyết Cổ Loa", "Tiếng trống Mê Linh", "Hào khí Thăng Long"... "Hồn Việt" còn hòa trộn khéo léo giữa âm sắc hiện đại với chất hoài cổ của một số nhạc cụ truyền thống như: đàn tranh, đàn nhị.

"Đường hẹp" vẫn đi

Giới chuyên môn thừa nhận việc dùng chất liệu lịch sử, truyền thống để viết nhạc là không dễ. "Đó là con đường hẹp, khó đi" - nhạc sĩ Hoài An nhận định.

Việc đầu tư cho các ca khúc về lịch sử rất tốn công sức vì phải nghiên cứu tư liệu, viết lời sao cho phù hợp rồi làm nhạc, dàn dựng, phát hành... "Có ca khúc nếu muốn lột tả được các chi tiết nội dung thì phải dùng một số câu từ trúc trắc, khó hát. Vì vậy, việc giữ ca từ sao cho đúng ý mà giai điệu vẫn phải hấp dẫn, dễ hát thực sự là một thử thách" - nhạc sĩ Hoài An nhận xét.

Nhạc sĩ Hoài An bộc bạch từ nhỏ, anh đã được cha truyền dạy về tình yêu lịch sử dân tộc. "Ba thường xuyên hướng dẫn và nhắc nhở tôi làm sao chuyển tải những trang sử, câu chuyện về các anh hùng, danh nhân… thành ca khúc để vừa tri ân tiền nhân vừa tạo điều kiện lan tỏa lịch sử hào hùng của dân tộc ta đến các thế hệ sau" - anh nhớ lại.

Nhạc sĩ Minh Châu cũng là một người nặng lòng với sử ca. Anh đã sáng tác nhiều ca khúc từ chất liệu dân ca, nhiều nhất là thể loại trường ca. Trong đó, trường ca "Bức tranh non nước" anh viết từ năm 2000, phát hành CD và VCD năm 2003; trường ca "Dân Việt" mất đến 6 năm để hoàn thành.

Giai điệu của 2 tác phẩm này được vận dụng và triển khai từ các điệu thức, thang âm của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Nếu "Bức tranh non nước" phác họa những đặc trưng địa lý, lịch sử, văn hóa mang tính khu biệt của ba miền Bắc, Trung, Nam để hòa chung vào thành một Việt Nam gấm hoa, thì "Dân Việt" đi vào chiều sâu tâm hồn của các thế hệ người dân nước ta.

"Đây là 2 tác phẩm mà tôi đã bỏ nhiều công sức để thực hiện với mong muốn nói lên được tâm hồn người Việt một cách sâu sắc, xác thực và hồn hậu nhất" - nhạc sĩ Minh Châu tâm huyết.

Người trẻ tiếp bước

An Nam (Quán quân cuộc thi Ban nhạc Việt năm 2018) từng là một ban nhạc hiện tượng khi viết nhạc từ sử Việt. Sáng tác dựa trên chất liệu sử Việt, âm nhạc của An Nam có giai điệu mạnh mẽ từ phong cách symphonic metal (thể loại nhạc rock mới xuất hiện cuối thập niên 1990). Lời ca thì vô cùng quen thuộc với những chiến công, cột mốc lịch sử đáng nhớ của dân tộc cùng cách thể hiện hào sảng, chí khí ngất trời.

Những ca khúc như "Nam Quốc sử ca", "Cột đồng Mã Viện", "Anh hùng cờ lau", "Bạch Đằng ca", "Giao thời ngoại kỷ", "Phản thần, Vua dời đô"... trong album "Tiếng trống Mê Linh" của An Nam thực sự chất lượng. Anh Nguyễn Thành Thực - thành viên Ban nhạc An Nam - nhớ lại khi nghe một số ý kiến cho rằng "người Việt ít biết sử Việt", anh vừa tự ái vừa chạnh lòng. "Vì vậy, âm nhạc của An Nam phải là lịch sử Việt cùng trách nhiệm truyền tải lịch sử đất nước" - anh bày tỏ.

Theo nhạc sĩ Đức Trí, với hướng đi chọn sử ca, Ban nhạc An Nam đã ghi dấu ấn trong giới rock Việt về một thể loại mới. Đó là "heavy metal" mà lại có thêm cách hát opera, có cả chất dân gian, sử thi và rất Việt Nam.

Tiết mục “Trống cơm” với sự tham gia của NSND Tự Long, ca sĩ Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven tại chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả. (Ảnh: ĐỨC THÀNH)

Tiết mục “Trống cơm” với sự tham gia của NSND Tự Long, ca sĩ Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven tại chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả. (Ảnh: ĐỨC THÀNH)

Mới đây, trong chương trình truyền hình "Anh trai vượt ngàn chông gai" phát trên sóng VTV3, những tiết mục biểu diễn đầy màu sắc và tinh thần văn hóa dân tộc cùng chất liệu âm nhạc từ văn hóa dân gian đã tạo nên nhiều cảm xúc. Tiết mục "Trống cơm" với sự tham gia của NSND Tự Long, ca sĩ Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven; tiết mục "Áo mùa đông" và "Trở về" với sự thể hiện của Thanh Duy, Thiên Minh, Duy Khánh và Bùi Công Nam... đã tạo nên những bất ngờ thú vị.

Trước đó, đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhạc sĩ Đức Trí, biên đạo múa Tấn Lộc và nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng cũng đã "bắt tay" tạo nên một câu chuyện lịch sử đặc sắc trong chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Sông nước TP HCM lần 2 năm 2024 với chủ đề "Chuyến tàu huyền thoại".

Không chỉ ở gameshow truyền hình, các câu chuyện lịch sử cũng đang là cảm hứng cho nhiều sản phẩm âm nhạc. Nhiều ca sĩ trẻ khá thành công khi kể chuyện lịch sử bằng âm nhạc, như Ngô Hồng Quang, Hoàng Thùy Linh, Hà Myo, Phương Mỹ Chi...

Sự kết hợp giữa âm nhạc dân gian với pop, rap, world music trong các sản phẩm như: "Về nghe mẹ ru" của NSND Bạch Tuyết và ca sĩ Hoàng Dũng; "Phấn hoa màu son" của NSƯT Thoại Mỹ cùng ca sĩ H-Kray; "Xẩm Hà Nội" của Hà Myo - hát xẩm với rap, nhạc điện tử; "Giao duyên - Ngồi tựa mạn thuyền" của Quân AP - hát quan họ Bắc Ninh với rap, nhạc EDM... đã đạo nên những hiệu ứng tích cực.

Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng vừa ra mắt album "Tinh hoa Đạo Học" vol.1 của nhạc sĩ Đinh Khánh Ly. Album là sản phẩm nghệ thuật thuộc chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám...

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định việc một số nghệ sĩ trẻ lấy yếu tố dân tộc làm chất liệu chính cho sản phẩm âm nhạc của mình là điều rất đáng hoan nghênh. Bên cạnh những nghệ sĩ gạo cội, không ít bạn trẻ cũng đã tham gia tìm kiếm những giá trị mới trong âm nhạc đại chúng nhưng có sự kết nối với truyền thống lịch sử. Tất cả đã góp phần lan tỏa giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc ta.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhấn mạnh: "Hiệu ứng lan tỏa của sử ca Việt là điều rất tuyệt vời. Sử ca không chỉ có màu sắc khác biệt mà còn đủ sức tác động vào tâm trí người nghe với tình yêu sẵn có dành cho quê hương, đất nước".

THÙY TRANG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ke-chuyen-lich-su-bang-am-nhac-196240915204638881.htm