Kể chuyện Thiên thần áo trắng chống dịch bằng tranh

Đồng hành với những vấn đề thời sự nóng bỏng, hội họa là loại hình nghệ thuật xung kích thể hiện tiếng nói của mình.

Trong đại dịch COVID-19, nhiều bức tranh trong làng hội họa đã tri ân lực lượng tuyến đầu, kêu gọi cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch bệnh...

Trong cuộc chiến chống giặc COVID-19 đã có nhiều câu chuyện, hình ảnh lay động trái tim hàng triệu người dân nước Việt. Đó là nữ điều dưỡng, người lính biên phòng đang làm nhiệm vụ chống dịch, nước mắt như chảy ngược vào tim vì không thể về chịu tang bậc sinh thành. Cũng có nhiều chiến sĩ mang trên mình chiếc quân hàm xanh hoãn lễ ăn hỏi, lễ cưới để bám bản, cắm chốt ở đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới ngăn dịch bệnh xâm nhập lãnh thổ nước nhà.

Tác phẩm của “phù thủy vẽ tranh” Phạm Hồng Minh ca ngợi các bác sĩ, y tá và quân đội... trên tuyến đầu chống dịch.

Tác phẩm của “phù thủy vẽ tranh” Phạm Hồng Minh ca ngợi các bác sĩ, y tá và quân đội... trên tuyến đầu chống dịch.

Ở đó còn có hình ảnh bác sĩ ăn vội bữa cơm, mặc bộ đồ phòng hộ gối đầu trên tập hồ sơ bệnh án ngủ tại bàn làm việc. Hay những tình nguyện viên làm việc ở khu cách ly trải những bìa các tông dưới nền đất, tranh thủ chợp mắt trong lúc nghỉ giải lao. Không ít y bác sĩ trong cuộc chiến chống COVID-19 có nhiều ngày chưa trở về nhà, bố (mẹ) chỉ kết nối với con cái, vợ - chồng gặp nhau qua những cuộc gọi video... Những hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch khó có thể đong đếm. Cảm xúc rung động và hội họa đã cất lên tiếng nói, vừa là tri ân những lá chắn thép chặn dịch COVID-19, vừa là lời hiệu triệu toàn dân hãy chung sức, đồng lòng cùng với các ban ngành để chiến thắng dịch bệnh.

Hình ảnh nữ điều dưỡng viên ngủ thiếp trên bàn được tái hiện trong bức tranh của sinh viên Nguyễn Bá Diệp.

Hình ảnh nữ điều dưỡng viên ngủ thiếp trên bàn được tái hiện trong bức tranh của sinh viên Nguyễn Bá Diệp.

Họa sĩ Hải Kiên đã gây ấn tượng mạnh mẽ với bộ ảnh thể hiện những hành động hy sinh quên mình của lực lượng y bác sĩ tuyến đầu, đang ngày đêm chống dịch COVID-19 bảo vệ người dân. Anh khắc họa hình ảnh nữ bác sĩ đang cầm điện thoại trên tay, phía trên là dòng tin nhắn của con gái Con nhớ mẹ. Bao giờ mẹ về?, người mẹ khoác trên mình chiếc áo blouse trắng trả lời: Con ngoan, hết dịch mẹ sẽ về. Hải Kiên còn có tác phẩm hai nữ bác sĩ mặc đồ phòng hộ, người ngủ trên mặt bàn, người ngủ tựa ghế. Đó là bức tranh cận cảnh ánh mắt mệt mỏi và âu lo của các bác sĩ sau những ngày dài chống dịch bệnh trong các khu cách ly làm người xem trào nước mắt vì xúc động. Bên cạnh đó, họa sĩ Hải Kiên còn khắc họa y bác sĩ làm bánh mừng sinh nhật một em bé trong khu cách ly y tế hoặc chào đón em bé mới sinh trong giai đoạn cách ly COVID-19.

Vốn là giáo viên dạy mỹ thuật đã về hưu, chứng kiến những hình ảnh tận tụy của các thiên thần áo trắng chống dịch COVID-19 nơi tuyến đầu, ông giáo Trần Minh Lý (TP.HCM) đã 62 tuổi lại cầm cọ sáng tác nên những bức tranh cổ động. Thầy Lý chia sẻ, người khác góp tiền, góp gạo, còn bản thân ông thì biết vẽ nên muốn góp nét vẽ của mình để cổ vũ tinh thần cho đội ngũ y bác sĩ, lực lượng chức năng đang căng mình chống dịch. Bức tranh Tri ân ngành y của thầy Lý, với hình ảnh hai bác sĩ đang cầm trên tay bó hoa đỏ thắm, ánh mắt và nét mặt toát lên niềm tin chiến thắng sau chiếc khẩu trang, thể hiện niềm tin trong tương lai gần COVID-19 sẽ bị khuất phục bởi các chiến sĩ áo trắng. Những tác phẩm của ông Lý đều có nét vẽ phóng khoáng, nhấn mạnh đường nét vui tươi trên khuôn mặt của các y bác sĩ dù họ là những người làm nhiệm vụ dễ bị lây nhiễm nhất.

Bức tranh của họa sĩ Hải Kiên.

Bức tranh của họa sĩ Hải Kiên.

Được nhiều người gắn cho biệt danh “phù thủy vẽ tranh”, họa sĩ trẻ Phạm Hồng Minh từng tạo ấn tượng cho công chúng với nhiều bức tranh bằng kim tuyến, bằng lửa... Trong dịch COVID-19, Phạm Hồng Minh đã hoàn thành bộ tranh trên giấy A4, gồm 9 bức truyền tải những thông điệp tích cực. Như một câu chuyện kể, Phạm Hồng Minh đã đưa người xem bước vào hành trình từ việc khởi phát dịch bệnh đến các cách phòng chống, khuyến cáo người dân cùng chung tay chống COVID-19. Trong đó, một số bức tranh của anh có hình ảnh ca ngợi về các lực lượng như bác sĩ, y tá và quân đội... trên tuyến đầu chống dịch, là hình ảnh của người dân và các lực lượng cùng ra sức đồng lòng để thắng dịch bệnh COVID-19.

Góp tiếng nói tri ân các chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch còn có các sinh viên, cựu sinh viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM. Sau khi nhà trường phát động phong trào vẽ tranh phòng chống COVID-19, nhiều bạn trẻ đã bắt tay vào sáng tác. Trong đó có không ít tác phẩm của các bạn trẻ khiến người xem phải cay khóe mắt vì xúc động. Lê Bôi Phan - cựu sinh viên của trường đang tu nghiệp tại Nhật vẽ một bác sĩ đang ân cần hướng dẫn cậu bé sát khuẩn bằng dung dịch rửa tay, về người thợ may đang miệt mài may khẩu trang tiếp tế cho đội ngũ y bác sĩ và về cụ già 98 tuổi góp 1kg gạo, 50 quả trứng cho quỹ phòng chống dịch.

Bức tranh Tri ân ngành y của thầy giáo về hưu Trần Minh Lý.

Bức tranh Tri ân ngành y của thầy giáo về hưu Trần Minh Lý.

Sinh viên Nguyễn Bá Diệp ngành kiến trúc cảnh quan đã khắc họa hình ảnh một nữ điều dưỡng ngủ thiếp trên bàn vì quá mệt mỏi bởi Diệp cho rằng, hình ảnh đó rất đẹp và xúc động. “Em suy nghĩ mãi và quyết tâm vẽ bức này. Một phần là để cảm ơn công sức của những y bác sĩ đã dành toàn bộ thời gian và sức khỏe chiến đấu với COVID-19, một phần muốn truyền tải thông điệp đến cộng đồng cùng chung tay góp sức để đẩy lùi dịch bệnh” - Nguyễn Bá Diệp chia sẻ. Bạn Trần Minh Tuân lại có bức tranh ghi lại cảnh các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cùng nhau làm biểu tượng thả tim và thông báo đến các đồng nghiệp đang phải cách ly tại nhà: Chúng tôi vẫn ổn, hãy yên tâm. Lê Thị Thanh Nhàn đem đến bức ký họa chân thực về đội ngũ y bác sĩ thời dịch. Các y bác sĩ đang tranh thủ chợp mắt trên ghế hay ăn vội bữa trưa để kịp thời chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân...

“Nghệ thuật là hình thái cao nhất của hy vọng”, điều này phù hợp hơn bao giờ hết trong thời điểm khó khăn của nhân loại khi đối đầu với đại dịch COVID-19. Những tấm lá chắn đang căng mình ngày đêm bảo vệ cuộc sống của nhân dân nơi tuyến đầu. Tất cả chúng ta - những người có niềm tin “nghệ thuật là cầu nối của hy vọng” cùng tin vào sức mạnh đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức. Khi COVID-19 chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị, thì những bức tranh với những câu chuyện kể ngoài ý nghĩa tri ân còn như một liều thuốc tinh thần cổ vũ các y bác sĩ có thêm sức đề kháng, niềm tin vượt qua thử thách để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng: bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết.

QUỲNH PHẠM

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ke-chuyen-thien-than-ao-trang-chong-dich-bang-tranh-n173314.html