Kê đơn thuốc cho 'bệnh' đầu tư công

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ đề nghị UBND thành phố có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân 99,910 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương năm 2020 sang năm 2023 để tiếp tục thực hiện dự án kè Cái Sơn có chiều dài 2,8km, đi qua địa bàn hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy.

Dự án nằm trong danh mục đầu tư công giai đoạn 2016-2020. Do dự án chậm tiến độ nên Sở kiến nghị các cấp được chuyển sang danh mục đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục được giải ngân vốn.

Có thể nói, sự chậm trễ trong thi công dẫn đến đội vốn đầu tư công hoặc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây nên sự lãng phí rất lớn đã được nói rất nhiều. Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ ước giải ngân quý I-2023 đạt 9,69% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 10,35%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (11,88%). Có 2 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%; 49/52 bộ, cơ quan Trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 9%, trong đó có 30 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

 Dự án kè rạch Cái Sơn chậm tiến độ so với kế hoạch. Ảnh: Vietnam+

Dự án kè rạch Cái Sơn chậm tiến độ so với kế hoạch. Ảnh: Vietnam+

"Vướng do đâu?" là câu hỏi tiếp tục được đặt ra và có muôn vàn lý do giải thích nghe rất... chính đáng. Đó là vướng mắc do thủ tục hành chính; do địa phương có nhiều dự án có quy mô lớn, có tính chất liên kết vùng và vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng vì người dân đòi giá quá cao; rồi việc phân công, phân cấp chưa hợp lý, chuyện phối hợp còn yếu kém...

Tuy nhiên, có một điều đáng nói là cùng một cơ chế, chính sách nhưng có bộ, ngành, địa phương giải ngân chiếm tỷ lệ cao, có những mô hình với những sáng kiến, cách làm sáng tạo trong khi có nơi tỷ lệ này lại rất thấp, thậm chí không giải ngân được.

Vì thế, không thể đổ lỗi mãi cho cơ chế, chính sách mà cần thẳng thắn nhìn nhận lại khâu tổ chức thực hiện. Đó là việc kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chưa được thực hiện một cách kịp thời, triệt để. Cùng với đó là sự thiếu quyết liệt, chưa quan tâm đốc thúc của người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương. Đó còn là tâm lý sợ trách nhiệm của một số tập thể, cá nhân...

Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc này, tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Không trả lại kế hoạch vốn năm 2023. Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành tăng phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phối hợp để khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Không để vốn đầu tư công “ngủ yên” chỉ vì cán bộ luôn “sợ trách nhiệm”.

Trước đó, ngày 14-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng ký Quyết định số 235/QĐ-TTg, thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Thời gian kiểm tra, đôn đốc từ ngày 10 đến 25 hằng tháng. Qua đây cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ trong đầu tư công đối với xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống, thu nhập của nhân dân. Đây cũng được xem là “phương thuốc đặc trị” cho "bệnh" đầu tư công kéo dài nhiều năm qua.

THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/ke-don-thuoc-cho-benh-dau-tu-cong-724684