Kẽ hở nào khiến nông sản Việt bị mạo danh?
Quá trình xuất khẩu qua nhiều trung gian nhưng đứt đoạn ở nhiều khâu khiến việc truy xuất nguồn gốc, phát hiện các lỗ hổng rất khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các sản phẩm của Việt Nam dễ bị 'mạo danh' khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Cần thành lập một công ty hay một liên minh thật mạnh tại Việt Nam có thể nối kết để tiêu chuẩn hóa ở mức độ cao nhất cho hoạt động trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển đối với các hộ nông dân nhỏ lẻ trong mạng lưới.
Mới đây, một số lô hàng xoài Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị ngành chức năng nước này giữ lại vì không đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Quốc gia này cũng có quyết định tạm dừng nhập khẩu xoài của Việt Nam để thực hiện rà soát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Trên những lô hàng xoài nói trên có dán nhãn hai mã vùng trồng xuất phát từ hợp tác xã xoài Mỹ Xương của Đồng Tháp. Điều đáng nói là vào thời điểm đó, sản phẩm xoài ở hợp tác xã này đã hết vụ mùa. Hơn nữa, đại diện phía hợp tác xã xoài Mỹ Xương cũng xác nhận rằng trong các đối tác ký hợp đồng với hợp tác xã, không có đơn vị nào xuất khẩu hàng sang Trung Quốc.
Quản lý lỏng lẻo
Nguyên nhân của tình cảnh trớ trêu này xuất phát từ việc quản lý mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chưa chặt chẽ từ đơn vị cấp mã số (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến các địa phương. Hiện cũng chưa có quy định cụ thể về các biện pháp chế tài đối với hành vi vi phạm sử dụng mã số vùng trồng khi chưa được chủ sở hữu đồng ý.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa cơ quan hải quan phía Trung Quốc và doanh nghiệp Trung Quốc còn nhiều kẽ hở. Hàng hóa có thể được thông quan khi không có xác nhận của doanh nghiệp nhập khẩu mà chỉ căn cứ trên mã số vùng trồng đăng ký với hải quan. Hay hàng được thông quan mà không cần sự xác nhận của chủ mã vùng trồng. Đôi lúc doanh nghiệp mang mã vùng trồng thật chỉ xuất 10 nhưng đến tay người tiêu dùng cuối cùng Trung Quốc, con số tăng lên 20 do những nhà xuất khẩu khác “mượn” mã vùng trồng.
Từ thực trạng nêu trên, cần có giải pháp để bảo vệ trái xoài Đồng Tháp nói riêng và các mặt hàng nông sản khác nói chung khi xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Ngoài các giải pháp như chế tài hay vận động, tập huấn cho nông dân và các doanh nghiệp, cũng cần có các chiến lược gắn liền quản trị chuỗi cung ứng thông suốt từ lúc trái xoài còn trên cây đến lúc sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
Kết nối các hộ nông dân nhỏ lẻ...
Đầu tiên, quá trình xuất khẩu qua nhiều trung gian và đứt đoạn ở nhiều khâu nên việc truy xuất nguồn gốc và phát hiện các lỗ hổng rất khó khăn. Do vậy, doanh nghiệp có thể tính đến việc giảm bớt khâu trung gian để bán trực tiếp đến nhà bán lẻ hoặc đại lý lớn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc là thị trường làm ăn dựa vào mối quan hệ. Mạng lưới làm ăn chằng chịt nên việc tiếp cận các công ty lớn của Trung Quốc là điều mà các công ty làm ăn nhỏ lẻ của Việt Nam không thể đảm nhận. Hơn nữa, Trung Quốc đang ngày càng siết chặt các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi thu nhập và yêu cầu của người dân nước này ngày càng cao hơn, thúc đẩy nhà bán lẻ Trung Quốc tiếp cận nguồn cung chất lượng từ Việt Nam.
Vì vậy, cần thành lập một công ty hay một liên minh thật mạnh tại Việt Nam có thể nối kết để tiêu chuẩn hóa ở mức độ cao nhất cho hoạt động trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển đối với các hộ nông dân nhỏ lẻ trong mạng lưới.
Hoạt động mua bán của các nhà vườn đối với thị trường nước ngoài cần được thông qua liên minh này. Khi có quy mô thị trường sản xuất và quản lý chất lượng tốt thì sản phẩm có thể được tiếp cận các công ty lớn của Trung Quốc.
Tiêu chuẩn hóa từ giai đoạn đầu vào đến đầu ra
Về lâu dài, cần định hướng sang nghiên cứu và chế biến cả mặt hàng cao cấp hơn từ trái xoài như nước ép, xoài cấp đông… để tăng giá trị gia tăng và tăng kim ngạch xuất khẩu.
Quan trọng hơn cả là việc sản xuất theo chuỗi với mô hình quản lý và kết nối từ giai đoạn đầu vào đến đầu ra. Các công nghệ có thể ứng dụng là IoT và big data để quản lý vườn trồng, chế biến và đóng gói; công nghệ blockchain để phục vụ truy xuất và vận chuyển từ tay người nông dân đến cơ sở bán lẻ, siêu thị của nước nhập khẩu (không chỉ là thị trường Trung Quốc mà còn dành cho các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu và Bắc Mỹ).
Nhìn chung, giống như các mặt hàng cần nhiều linh kiện, phụ tùng như điện tử hay ô tô, ngành nông nghiệp xuất khẩu cũng cẩn quản lý theo chuỗi và thành lập liên minh. Đây là giải pháp căn cơ để nâng cấp hoạt động sản xuất và xuất khẩu nông sản và đề bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm. Điều này cũng giúp tạo ra giá trị cao cho thương hiệu hàng Việt nói chung do chúng ta làm ăn với tư cách một người làm ăn quy mô lớn (liên kết nhiều thành phần làm ăn nhỏ lẻ).
Phan Đình Mạnh