Kế hoạch giao thông đồ sộ của Bình Dương

Bình Dương đang phát triển mô hình giao thông TOD hiện đại kết nối với TP HCM, mở ra không gian phát triển đô thị, nâng cao đời sống người dân

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết địa phương đang tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm liên kết vùng. Đồng thời, xúc tiến xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro), cũng như thực hiện dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng của tỉnh kết nối đến TP HCM.

Giải pháp khả thi nhất

Trước đây, Quốc lộ 13 hay đường Mỹ Phước - Tân Vạn được ví von là "con đường tơ lụa", "trục xương sống" giúp kết nối Bình Dương với TP HCM, dọc theo tuyến đường này đã hình thành nhiều khu công nghiệp lớn như VSIP, Sóng Thần, Đồng An, Mỹ Phước..., thu hút đầu tư và tạo công ăn việc làm, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của cả vùng.

Tuy nhiên, hiện nay các tuyến đường này đã quá tải, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra, nhất là vào giờ cao điểm. Hiện tại, cả Bình Dương và TP HCM đều đang triển khai các dự án mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 13, Bình Dương cũng đã có kế hoạch xây hầm chui trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn nhằm giải quyết tình trạng này và tăng cường năng lực vận tải.

Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương, cho hay theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương tập trung nguồn lực cho đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông huyết mạch, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mô hình TOD của tỉnh cũng sẽ gắn với các tuyến đường sắt đô thị kết nối TP HCM, Đồng Nai và các đường Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 TP HCM… trong tương lai.

Vòng xoay A1, trung tâm thành phố mới Bình Dương, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một - điểm đầu của tuyến metro kết nối giữa Bình Dương - TP HCM

Vòng xoay A1, trung tâm thành phố mới Bình Dương, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một - điểm đầu của tuyến metro kết nối giữa Bình Dương - TP HCM

Theo ông Hoàng Vĩnh Hưng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, xây dựng đường sắt đô thị là giải pháp khả thi nhất hiện nay, cùng với phát triển hệ thống xe buýt nhanh sẽ giúp kết nối Bình Dương và TP HCM hiệu quả.

Trước đó, JICA đã tài trợ nghiên cứu phát triển hệ thống xe buýt nhanh kết nối giao thông Bình Dương - TP HCM - Đồng Nai, tạo tiền đề để phát triển hệ thống giao thông định hướng dọc tuyến metro, JICA sẽ cung cấp vốn vay ODA trị giá 6,3 tỉ yen (khoảng 1.100 tỉ đồng). Dự án bao gồm một số hạng mục chính như 6 cầu vượt tại các nút giao lớn trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Đồng thời, dự án sẽ triển khai tuyến buýt nhanh (BRT) kết nối giữa thành phố mới Bình Dương và ga Suối Tiên, dài hơn 30 km.

Xu thế tất yếu

Trong tương lai, mô hình TOD với tuyến metro kết nối giữa Bình Dương - TP HCM đang được đẩy nhanh triển khai sẽ góp phần thúc đẩy phát triển không gian đô thị giữa các địa phương. Mô hình TOD hiện đại sẽ góp phần giảm áp lực giao thông đô thị trong tương lai.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cho hay tỉnh đang nghiên cứu tuyến metro số 1, tuyến này có điểm đầu tại ga S1 (vòng xoay A1, trung tâm thành phố mới Bình Dương, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một) và điểm cuối là ga Bến xe Suối Tiên thuộc tuyến metro số 1 TP HCM (phường Bình Thắng, TP Dĩ An).

Dự án dự kiến có tổng chiều dài 32,43 km, gồm tuyến chính dài 29,01 km và đoạn nối depot dài 3,42 km. Tuyến đi qua 4 thành phố của Bình Dương gồm: Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Thuận An và Dĩ An, với tổng cộng 19 nhà ga cùng 1 depot đặt tại phường Phú Chánh, TP Tân Uyên.

Theo thiết kế, tuyến metro chủ yếu sử dụng đường đôi, khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, với tốc độ tối đa 120 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án lên đến 64.370 tỉ đồng, trở thành tuyến metro đầu tiên của tỉnh Bình Dương, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao giữa Bình Dương và TP HCM.

Tuyến metro còn góp phần thúc đẩy phát triển đô thị dọc hai bên hành lang tuyến, hình thành các khu đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ hiện đại. Điều này tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thúc đẩy kinh tế địa phương, đồng thời cải thiện chất lượng sống cho người dân nhờ một hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, an toàn và thân thiện với môi trường.

Ông Phạm Văn Trường, chủ một doanh nghiệp vận tải ở Bình Dương, nhìn nhận sau khi sáp nhập tỉnh thì tuyến metro số 1 sẽ giải quyết được bài toán đi lại giữa các địa phương, thu hẹp khoảng cách địa lý, tạo thuận lợi trong di chuyển cho người dân, cán bộ, doanh nghiệp...

Theo ông Trường, hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông giữa Bình Dương với TP HCM và các địa phương lân cận đã cơ bản đồng bộ, kết nối với nhau bởi một số tuyến đường trọng điểm như Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, đường trục chính Đông - Tây, nối từ Quốc lộ 1A, từ Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức, TP HCM) đến giáp Quốc lộ 1K (TP Dĩ An, Bình Dương).

"Cùng với các dự án trọng điểm đang thực hiện như: Vành đai 3 TP HCM; cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Vành đai 4 TP HCM..., người dân, doanh nghiệp rất kỳ vọng siêu dự án metro kết nối Bình Dương - TP HCM sẽ được hiện thực trong thời gian sớm" - anh Trường mong muốn.

Giãn dân và phát triển đô thị bền vững

Theo ông Hoàng Vĩnh Hưng, cả Bình Dương và TP HCM đều là những trung tâm kinh tế lớn của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Sự kết nối giao thông thuận lợi giúp tăng cường lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và lao động giữa hai địa phương, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế chung của cả vùng.

Bình Dương đóng vai trò là đô thị vệ tinh, chia sẻ áp lực về dân số và hạ tầng cho TP HCM, việc kết nối giao thông tốt giúp người dân dễ dàng di chuyển giữa hai địa phương để làm việc, học tập và sinh sống, góp phần giãn dân và phát triển đô thị bền vững. Sự kết nối giữa Bình Dương và TP HCM sẽ tạo ra một khu vực phát triển năng động và toàn diện.

Bài và ảnh: THANH THẢO

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ke-hoach-giao-thong-do-so-cua-binh-duong-196250505212416896.htm