Kế hoạch hạ giá xăng dầu của Tổng thống Trump gặp thử thách

Cam kết hạ giá xăng dầu của Tổng thống Donald Trump đang bị các nhà sản xuất năng lượng của Mỹ và quốc tế thử thách.

Mong muốn tăng đáng kể sản lượng dầu tại Mỹ của Tổng thống Trump xuất hiện vào thời điểm thị trường dầu mỏ đang bất ổn.

Kể từ đầu tháng 1/2025, sự kết hợp của điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt và lượng dự trữ dầu tiếp tục giảm ở Mỹ, lệnh trừng phạt mới đối với dầu của Nga và việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) điều chỉnh giảm dự báo thặng dư dầu cho năm 2025 đã đẩy giá dầu tăng lên đáng kể và đạt mức cao nhất trong 6 tháng, đạt hơn 82 USD/thùng vào ngày 15/1. Sau đó, giá đã bắt đầu giảm bởi những bất ổn do các sắc lệnh của Tổng thống Trump gây ra. Mối quan tâm hiện tại chủ yếu liên quan đến cân bằng cung cầu trên thị trường.

Mặc dù chính quyền Mỹ đã cam kết xóa bỏ quy định đối với ngành dầu khí, nhưng điều đó có thể không đủ để khuyến khích các nhà sản xuất đẩy mạnh khoan dầu.

Thực tế, các công ty dầu đá phiến của Mỹ hiện đang bơm lượng dầu kỷ lục, nên tại thời điểm này, việc thúc đẩy hoạt động khoan và nguồn cung dầu tăng đột biến có thể đe dọa đến lợi nhuận.

Các nguồn tin cho biết với The Wall Street Journal rằng, các cố vấn của Nhà Trắng nhận ra điều này và không kỳ vọng ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ sẽ tăng sản lượng. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã ám chỉ nhiều điều như vậy trong báo cáo lợi nhuận gần đây, cảnh báo không nên kỳ vọng vào sự gia tăng mạnh mẽ của hoạt động khoan.

"Khi giá dầu thô giảm, chúng tôi kỳ vọng doanh thu của ngành sẽ giảm và lợi nhuận cũng sẽ giảm", Giám đốc điều hành của ExxonMobile Darren Woods cho biết vào tuần trước.

Theo Cục Dự trữ Liên bang Kansas City, giá dầu WTI sẽ cần đạt mức trung bình 84 USD/thùng để các công ty trong nước có thể tăng đáng kể hoạt động khoan. Con số này cao hơn khoảng 15% so với giá hiện tại.

Trong khi đó, kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, Thổng thống Trump đã kêu gọi OPEC+ hạ giá dầu xuống.

OPEC+ và Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần xung đột trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2016-2020 khi ông yêu cầu họ tăng sản lượng để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung của Iran do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong cuộc họp hôm 3/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, nhóm các bộ trưởng từ OPEC+ đã thảo luận về lời kêu gọi tăng sản lượng của Tổng thống Trump và OPEC+ nhất trí sẽ bắt đầu tăng sản lượng từ ngày 1/4 theo đúng các kế hoạch trước đó.

"Sau khi Ban thư ký OPEC phân tích kỹ lưỡng, Ủy ban đã thay thế Rystad Energy và Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) bằng Kpler, OilX và ESAI như một phần của các nguồn thứ cấp được sử dụng để đánh giá sản lượng dầu thô và sự tuân thủ", OPEC+ cho biết trong một tuyên bố.

Theo một nguồn tin của OPEC+, việc xóa dữ liệu EIA là do cơ quan này không truyền đạt thông tin bắt buộc và quyết định này không phải do chính trị thúc đẩy.

"Rystad Energy coi trọng mối quan hệ thương mại lâu dài của chúng tôi với OPEC và hiểu rằng đối với khía cạnh cụ thể này trong cam kết của chúng tôi, việc thuê các nhà cung cấp thông tin tình báo thị trường khác nhau là điều bình thường", một người phát ngôn của OPEC+ cho biết.

OPEC+ sử dụng các nguồn thứ cấp để giúp theo dõi sản lượng như một di sản của các tranh chấp lịch sử của OPEC về lượng dầu mà các thành viên OPEC đang cung cấp và đôi khi sẽ thay đổi danh sách.

Vào tháng 3/2022, OPEC+ đã loại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khỏi danh sách nguồn thứ cấp, phản ánh mối lo ngại về ảnh hưởng của Mỹ đối với số liệu của cơ quan giám sát này.

OPEC+ đang cắt giảm sản lượng 5,85 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5,7% nguồn cung toàn cầu, đã được thống nhất trong một loạt các bước kể từ năm 2022.

Việc tăng sản lượng trở lại sẽ kéo dài đến tháng 9/2026. Dựa trên thông lệ trước đây của OPEC+, quyết định cuối cùng về việc có tiếp tục tăng giá vào tháng 4 hay không dự kiến sẽ được đưa ra vào khoảng đầu tháng 3.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ke-hoach-ha-gia-xang-dau-cua-tong-thong-trump-gap-thu-thach-post362778.html