Kế hoạch quản lý chất thải nhựa: Nhấn mạnh vai trò kinh tế tuần hoàn
Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, kinh tế tuần hoàn là giải pháp quan trọng để thực hiện kế hoạch quản lý chất thải nhựa, xử lý khủng hoảng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam.
Theo kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, mới được phê duyệt gần đây, Bộ Tài nguyên và môi trường đặt trọng tâm vào việc triển khai 3 mục tiêu, nhiệm vụ.
Trong đó bao gồm rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản có liên quan đến quản lý chất thải nhựa; triển khai đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế; nghiên cứu, triển khai công nghệ mới, mô hình mới về quản lý rác thải nhựa và sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.
Kinh tế tuần hoàn tiếp tục được nhấn mạnh như một giải pháp hiệu quả và tiềm năng, giải quyết mâu thuẫn cố hữu giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 và quy định chi tiết tại Dự thảo nghị định hướng dẫn luật với công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Đây là công cụ chính sách mang tính nền tảng, do đó Bộ giao Vụ Pháp chế tiếp tục nghiên cứu và đề xuất.
Mặt khác, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ được triển khai thông qua cơ chế hợp tác công tư, các mô hình kinh doanh với sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội, với giải pháp sản xuất và tiêu dùng bền vững, tăng cường tái chế, tái sử dụng và thu hồi tài nguyên.
Một cơ chế hợp tác công tư mới đây đã được xây dựng là Cổng thông tin về kinh tế tuần hoàn, là kế hoạch hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và môi trường với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Đây là nơi để phổ biến chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, huy động tài chính, kết nối doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu cho kinh tế tuần hoàn.
Kết nối các nguồn lực công tư để phát triển kinh tế tuần hoàn
Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu hình thành những liên kết bài bản để thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy mô ngành, có thể kể đến như Chương trình Việt Nam Tái chế hướng tới thu hồi và tái chế rác thải điện tử; Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đặt mục tiêu đến năm 2030 tái chế 100% bao bì được các thành viên sử dụng…
Song song với các mô hình, giải pháp, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng giao Tổng cục Môi trường khảo sát, đánh giá tình trạng hiện tại đối với thị trường nhựa cũng như rác nhựa phát sinh, từ đó xây dựng hệ thống thông tin, đánh giá, quản lý, kiểm tra và xử phạt vi phạm.
Trong giai đoạn từ 2022 – 2025, các quy định về sản phẩm tái chế, bao bì khó phân hủy sẽ được nghiên cứu ban hành, song song với quy định về phân loại rác thải tại nguồn. Những tiêu chí về vấn đề này sẽ được đánh giá tại từng địa phương trên cả nước.
Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường được giao nhiệm vụ thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nhựa, đồng thời thực hiện hướng dẫn áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nhựa, tối ưu hóa theo hướng tiết kiệm tài nguyên, sản phẩm dễ thu gom và tái chế.
Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng và phát triển thị trường tái chế rác thải nhựa để tạo đầu ra cho sản phẩm thân thiện với môi trường.
Các giải pháp tái sử dụng, tái chế ở cấp độ hộ gia đình, phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân cũng là giải pháp được đề cao.
Bộ Tài nguyên và môi trường cũng giao cho Vụ Thi đua khen thưởng và tuyên truyền và Trung tâm Truyền thông Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với các đơn vị có liên quan để có kế hoạch truyền thông về tăng cường phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng rác thải.
Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và môi trường được phê duyệt ngay trước thềm năm mới 2022, mốc thời gian chính thức đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào hiệu lực. Luật Bảo vệ môi trường 2020 kỳ vọng đặt nền tảng cho kinh tế tuần hoàn thông qua công cụ chính sách EPR, điều đã được đặt ra cách đây 16 năm nhưng chưa thể thực hiện do thiếu cơ sở pháp lý.