Kế hoạch thoái vốn nhà nước diễn ra chậm hơn so với dự kiến, Viglacera liên tục biến động 'thượng tầng'

HĐQT Tổng Công ty Viglacera (VGC) vừa có quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc công ty đối với ông Nguyễn Anh Tuấn kể từ ngày 1/8. Lý do miễn nhiệm là 'theo nguyện vọng cá nhân'.

Được biết ông Nguyễn Anh Tuấn đã có gần 3 thập kỷ gắn bó với Viglacera, kinh qua nhiều vị trí như Chuyên viên Kinh tế kế hoạch, Phó Phòng Kinh doanh, Tưởng phòng Kế hoạch Đầu tư, Trưởng Ban quản lý dự án. Ông trở thành Phó Tổng giám đốc Viglacera từ năm 2011 đến nay.

Viglacera liên tục biến động "thượng tầng".

Viglacera liên tục biến động "thượng tầng".

Trước đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Anh Tuấn, cuối tháng 6 vừa qua, HĐQT Viglacera đã có quyết định cho phép ông Hoàng Kim Hồng thôi chức vụ Phó Tổng giám đốc để hưởng chế độ hưu trí, ở chiều ngược lại, bà Trần Thị Minh Loan được bổ nhiệm vào vị trí này.

Bà Trần Thị Minh Loan đã có 24 năm kinh nghiệm làm việc tại Viglacera cùng các công ty thành viên. Hiện tại bà còn đảm nhận các vị trí Ủy viên HĐQT kiêm Giám đốc Ban Tài chính Kế toán của Viglacera.

Cùng với ông Trần Ngọc Anh, bà Trần Thị Minh Loan là một đại diện vốn khác của Bộ Xây dựng tại Viglacera, đại diện cho 60,9 triệu cổ phần, tương đương 13,58% vốn điều lệ Viglacera.

Dàn lãnh đạo của Viglacera biến động liên tục trong bối cảnh kế hoạch thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang diễn ra chậm hơn so với dự kiến.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra hồi cuối tháng 5/2024, ban lãnh đạo Viglacera cho biết đang tiếp tục triển khai các thủ tục cho công tác thoái vốn Nhà nước tại tổng công ty theo chủ trương tại văn bản ngày 22/05/2023 của Bộ Xây dựng.

Xét về cơ cấu cổ đông, hai cổ đông lớn nhất hiện nay của Tổng Công ty Viglacera là Công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex – công ty con của Tập đoàn GELEX (GEX) và Bộ Xây dựng với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 50,21% và 38,58%.

Theo cập nhật mới đây của SSI Research, theo lộ trình thoái vốn nhà nước, thời hạn để Viglacera kiểm kê quỹ đất, nợ và tài sản là ngày 30/6/2024. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không hoàn thành đúng tiến độ và Viglacera hoàn tất việc định giá đất được chuyển sang đến ngày 30/9/2024. Viglacera hiện dự kiến sẽ trình phương án thoái vốn lên Bộ Xây dựng trong quý I/2025.

Việc định giá đất cũng là một trong những vướng mắc lớn nhất từ trước đến nay trong quá trình triển khai việc thoái vốn của Bộ Xây dựng khỏi Viglacera, khiến quá trình này nhiều lần bị kéo dài.

Theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025, việc thoái vốn của Bộ Xây dựng khỏi Viglacera phải hoàn thành trong giai đoạn 2022 - 2023.

Cuối năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết việc thoái vốn khỏi Viglacera diễn ra chậm chủ yếu do khối lượng công việc thẩm định giá lớn. Viglacera hiện có tổng cộng trên 40 đầu mối doanh nghiệp (bao gồm công ty mẹ, 10 đơn vị phụ thuộc và trên 30 công ty con, công ty liên kết); hoạt động đa lĩnh vực (bất động sản; hạ tầng khu công nghiệp; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng) có nhiều đất đai dự án, tài sản, mỏ khoáng sản, quy mô vốn của doanh nghiệp khá lớn.

Riêng trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, Viglacera đang vận hành 12 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.000 ha.

Vì vậy, cần có thêm thời gian để xem xét hồ sơ kỹ lưỡng, thận trọng khi triển khai thực hiện - nhất là đối với các khoản đầu tư, góp vốn của Viglacera tại 2 Dự án tại Cuba (Dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp ViMariel - Công ty cổ phần Vimariel và Dự án liên doanh SANVIG).

Trên thị trường, chốt phiên 12/7, cổ phiếu VGC dừng ở mức 52.600 đồng/cp, đánh dấu 3 phiên giảm giá liên tiếp.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/ke-hoach-thoai-von-nha-nuoc-dien-ra-cham-hon-so-voi-du-kien-viglacera-lien-tuc-bien-dong-thuong-tang-1101012.html