Kế hoạch tiếp quản Gaza của ông Trump: 'Chuyện to gói thành nhỏ', bước ngoặt lịch sử hay kế đánh lạc hướng?
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra một kế hoạch táo bạo về việc tiếp quản Dải Gaza, tạo ra một làn sóng dư luận trên khắp thế giới. Liệu ông chủ Nhà Trắng đang muốn tạo ra một bước ngoặt lịch sử đối với khu vực Trung Đông hay đơn giản chỉ là một kế sách đánh lạc hướng mở đường cho đàm phán?
![Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phóng viên tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng hôm 4/2. (Nguồn: Getty)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_194_51415445/a37623461b08f256ab19.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phóng viên tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng hôm 4/2. (Nguồn: Getty)
“Riviera của Trung Đông”
Ngày 4/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh đề xuất di dời gần 2 triệu người Palestine khỏi Dải Gaza đã bị chiến tranh tàn phá để họ có nhà ở nơi khác, từ đó Mỹ sẽ chịu trách nhiệm dọn dẹp và xây dựng lại Dải Gaza bị tàn phá, kiểm soát và biến nơi này thành “Riviera của Trung Đông”.
Tuy nhiên, ông Trump không cung cấp thông tin chi tiết về ai có thể sống ở đó.
Ông Trump nói với các phóng viên tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng: “Chúng ta sẽ xây dựng những khu nhà chất lượng cao, một thị trấn đẹp đẽ, một nơi họ có thể sống mà không phải chết, bởi vì Gaza là nơi đảm bảo rằng họ sẽ chết”.
Tổng thống Mỹ đưa ra các phát biểu trên từ trong buổi ký sắc lệnh hành pháp đến cuộc họp với ông Netanyahu trong Phòng Bầu dục và họp báo chung. Các phát biểu này đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử của Mỹ khi thiết lập hòa bình tại Trung Đông.
"Gaza phải sạch bóng Hamas. Như Tổng thống Donald Trump đã chia sẻ, Mỹ sẵn sàng dẫn đầu và làm cho Gaza tươi đẹp trở lại. Mục tiêu của chúng tôi là đạt được hòa bình lâu dài trong khu vực cho tất cả mọi người", Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio viết trên tài khoản X ngày 5/2, giải thích phát ngôn trước đó của ông Trump về tiếp quản Gaza.
Việc một tổng thống Mỹ công khai ủng hộ ý tưởng trục xuất cưỡng chế người Palestine khỏi quê hương, một hành động sẽ đi ngược lại chính sách hàng chục năm của Mỹ, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc nhân đạo cơ bản, thực sự gây kinh ngạc.
Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng vào sáng 4/2, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff cho biết chính quyền Washington đang cân nhắc đàm phán lại một số phần của thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 19/1.
Ông Steve nói: "Một phần của vấn đề là thỏa thuận ban đầu được ký kết không phải là một thỏa thuận tuyệt vời. Thỏa thuận đó không phải do chính quyền Tổng thống Trump chỉ đạo. Chúng tôi không liên quan gì đến nó. Bây giờ chúng tôi đang làm việc trong khuôn khổ đó và chúng tôi đang tìm giải pháp".
Ông nhắc lại đề xuất của ông Trump về việc di dời người Palestine đến các nước láng giềng Ai Cập và Jordan, nói rằng kế hoạch tái thiết Gaza kéo dài 5 năm như được nêu trong Giai đoạn 3 là "không thể thực hiện được về mặt vật lý". Để bảo vệ kế hoạch của ông Trump, ông Steve nói: "Thật không đúng khi nói với người Palestine rằng họ có thể quay trở lại sau 5 năm nữa”.
Trong tháng Một, ông Trump đã lần đầu tiên đề xuất rằng muốn Jordan và Ai Cập tiếp nhận thêm người Palestine di tản như một phần của nỗ lực "dọn sạch" Gaza.
Đáp lại, Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Chính quyền Palestine và Liên đoàn Arab đã đưa ra một tuyên bố chung vào đầu tháng này, bác bỏ mọi kế hoạch di dời người Palestine khỏi Gaza, cảnh báo rằng những kế hoạch như vậy “đe dọa sự ổn định của khu vực, có nguy cơ mở rộng xung đột và làm suy yếu triển vọng hòa bình và khả năng chung sống giữa các dân tộc”.
![Toàn cảnh cuộc họp báo giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng. (Nguồn: News/Reuters)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_194_51415445/b6b134810ccfe591bcde.jpg)
Toàn cảnh cuộc họp báo giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng. (Nguồn: News/Reuters)
Dư luận dậy sóng và hoang mang
Những bình luận của Tổng thống Trump đã tạo ra phản ứng trên toàn thế giới vào ngày 5/2, đặc biệt là ở Thế giới Arab.
Một quan chức Arab nói với phóng viên Alex Marquardt của CNN rằng những phát biểu của ông Trump có thể gây nguy hiểm cho lệnh ngừng bắn và thỏa thuận thả con tin mong manh ở Gaza. Nhà ngoại giao này cho biết: "Điều cần thiết là phải nhận ra những tác động sâu sắc của những đề xuất như vậy đối với cuộc sống và phẩm giá của người dân Palestine, cũng như toàn thể Trung Đông".
Các quốc gia Arab phản đối kịch liệt vì họ cần tiền và đất đai để thực hiện ý tưởng này. Jordan, nơi hiện đang là nơi sinh sống của một lượng lớn người tị nạn Palestine, lo ngại về sự mất ổn định nghiêm trọng do làn sóng người tị nạn mới trong khi quân đội Ai Cập lo ngại về làn sóng người Palestine ồ ạt đổ vào.
Ý tưởng áp đặt di dời người Palestine cũng sẽ là điều không thể về mặt chính trị đối với Saudi Arabia, một phần quan trọng trong kế hoạch của ông Trump nhằm tạo ra một vòng cung chống Iran, được củng cố bởi thỏa thuận bình thường hóa ngoại giao với Israel. Vương quốc này đã đưa ra điều kiện là một nhà nước Palestine độc lập cho một thỏa thuận như vậy.
Trước những phản ứng gay gắt từ thế giới Arab, Nhà Trắng đã hành động nhanh chóng vào 5/2. Người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt đã làm rõ rằng Mỹ sẽ không "tài trợ" cho việc tái thiết ở Gaza và không "cam kết" gửi quân.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Marco Rubio, phát biểu từ Guatemala, đã bảo vệ ý định của ông Trump: "Tôi nghĩ rằng đó là một động thái rất hào phóng - lời đề nghị tái thiết và chịu trách nhiệm tái thiết". Ông cũng cho biết ông Trump chỉ muốn người Palestine tạm thời rời khỏi Gaza trong khi lãnh thổ này đang được tái thiết.
Ngày 5/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu quan điểm về kế hoạch của ông Trump: "Chúng ta phải tái khẳng định giải pháp hai nhà nước. Bất kỳ nền hòa bình lâu dài nào cũng sẽ đòi hỏi tiến triển cụ thể, không thể đảo ngược và vĩnh viễn hướng tới giải pháp hai nhà nước, chấm dứt sự chiếm đóng và thành lập một nhà nước Palestine độc lập, trong đó Gaza là một phần không thể tách rời".
Theo AFP, vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Trump có đưa ra đề xuất của mình như một chiến thuật đàm phán hay đánh lạc hướng, khi Israel và Hamas chuẩn bị đàm phán giai đoạn thứ hai của thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 19/1.
Giai đoạn thứ hai này nhằm đảm bảo việc thả những con tin còn lại và đạt được một sự kết thúc dứt khoát cho cuộc xung đột do Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10/2023 gây ra.
Thủ tướng Netanyahu thở phào
Cuộc gặp của ông Trump với ông Netanyahu diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với nhà lãnh đạo Israel, người đang phải đối mặt với áp lực từ liên minh cánh hữu nhằm chấm dứt lệnh ngừng bắn, và từ công chúng Israel vốn mong muốn chấm dứt giao tranh và những con tin còn lại do Hamas giam giữ được trở về nhà.
Những phát biểu của ông Trump về Gaza đã mang lại một cứu cánh chính trị cho ông Netanyahu. Điều này giải thích lý do tại sao, bất chấp những căng thẳng trước đây, ông Netanyahu lại ủng hộ ông Trump quay trở lại nắm quyền trong cuộc bầu cử năm 2024.
Theo bình luận của CNN, ông Netanyahu giờ đây có thể khẳng định với các phe cánh hữu trong liên minh của mình rằng ông là cầu nối đặc biệt và quan trọng với ông Trump. Quan điểm của Tổng thống Mỹ hiện tại trùng khớp với mong muốn của phe cứng rắn Israel về việc đẩy người Palestine ra khỏi phần đất Gaza.
Cựu Bộ trưởng An ninh Quốc gia cực hữu của Israel Itamar Ben-Gvir, người đã rời nội các Israel hồi đầu năm để phản đối thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, đã xác nhận sự đồng điệu giữa tư duy của ông Trump và phe bảo thủ cực đoan ở Israel. Ông Ben-Gvir viết trên mạng xã hội X: “Ông Donald Trump, có vẻ như đây là khởi đầu của một tình bạn đẹp”.
Năm 2020, ông Trump đã làm trung gian cho Hiệp định Abraham nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và 4 quốc gia Arab trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Hiện ông đang tìm kiếm một thỏa thuận rộng hơn, bao gồm cả Saudi Arabia.
Saudi Arabia cho biết họ sẽ chỉ đồng ý với một thỏa thuận như vậy nếu xung đột ở Gaza kết thúc và có một con đường đáng tin cậy dẫn đến một nhà nước Palestine ở Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem - những vùng lãnh thổ mà Israel đã chiếm được trong Chiến tranh Arab-Israel năm 1967.
Ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ hai với tham vọng là người kiến tạo hòa bình. Ông Trump có mục tiêu rõ ràng: kéo dài thỏa thuận Abraham, bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Saudi Arabia và các vương quốc vùng Vịnh. Để làm được điều đó, ông Trump cần đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza và viễn cảnh chính trị cho Palestine.
Với các mục tiêu chiến lược này, vấn đề chính trị nội bộ Israel chỉ là thứ yếu đối với ông Trump, nhưng lại mang tính sống còn với Thủ tướng Netanyahu, vì nếu nhượng bộ lớn, liên minh cầm quyền của ông sẽ sụp đổ.
Nhà phân tích David Makovsky của Viện Washington về chính sách Cận Đông (WINEP) nhận xét, ông Netanyahu cần đạt thỏa thuận với ông Trump về 3 hồ sơ quan trọng: Gaza, mối đe dọa từ Iran, việc xích gần lại Saudi Arabia. Và như vậy ồn rất cần thận trọng để tránh "chọc giận" ông Trump.
Nhìn chung, định hướng của Tổng thống Trump về việc tiếp quản Gaza vẫn là một câu hỏi về tính khả thi cũng như tính toán thực chất của ông có thể tác động mạnh mẽ đến cục diện khu vực.