Kể sử bằng cải lương

Vở diễn Người con của rừng tràm được Đoàn nghệ thuật cải lương Long An xây dựng từ những trang sử hào hùng về chiến thắng Láng Le - Bàu cò và hình tượng nhà cách mạng quả cảm của Long An. Đây là 1 trong 4 vở diễn xuất sắc được trao huy chương vàng tại Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2024.

Bối cảnh khu căn cứ của ta trong vở người con của rừng tràm

Bối cảnh khu căn cứ của ta trong vở người con của rừng tràm

Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An - Nghệ sĩ (NS) Nhân dân Hồ Ngọc Trinh có thể “mềm hóa” và đưa lịch sử “đi kể, trước khi Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 diễn ra gần 1 năm, nhiều câu hỏi được đặt ra cho việc chọn đề tài để xây dựng vở diễn tham gia liên hoan. Nên dựng lại một vở cũ với phong cách mới hay dựng một vở mới hoàn toàn? Tiếp tục theo đuổi chủ trương của Đoàn từ trước đến nay là quảng bá hình ảnh đất và người Long An qua vở diễn hay chỉ xây dựng một vở đậm chất nghệ thuật để dự liên hoan? Nếu chọn đề tài lịch sử thì phải làm cách nào để vào lòng người” thông qua vở diễn?

Kể chuyện lịch sử bằng nghệ thuật

Sau nhiều lần bàn bạc, xin ý kiến chỉ đạo, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An quyết định xây dựng vở diễn hoàn toàn mới về một góc lịch sử thời kỳ chống thực dân Pháp. Chiến thắng Láng Le - Bàu Cò với vai trò lãnh đạo quan trọng của nhà cách mạng Trương Văn Bang được chọn làm “hạt nhân” cho vở diễn.

Kịch bản Người con của rừng tràm ra đời dựa trên những tư liệu lịch sử có thật về một chiến thắng được mệnh danh là “biểu tượng về lòng quả cảm” của quân và dân ta và một nhà cách mạng tài ba, kiên trung, một người con của đất Cần Giuộc, Long An.

Vai diễn chị Út (theo hình tượng bà Nguyễn Thị Một) trong vở Người con của rừng tràm

Vai diễn chị Út (theo hình tượng bà Nguyễn Thị Một) trong vở Người con của rừng tràm

Không chỉ là câu chuyện sử khô khan với súng ống và sự khắc nghiệt của chiến tranh, Người con của rừng tràm được khắc họa bởi những câu chuyện đậm chất nhân văn về tình yêu đôi lứa, gia đình, nỗi đau của những thân phận con người mất nước.

Tất cả tổng hòa, bổ sung cho nhau để người xem vừa hình dung được một "lát cắt" xã hội thời kỳ Pháp thuộc, vừa đủ hiểu, tự hào về sự tài ba, anh dũng của cha anh.

Không có những cao trào dữ dội như tác phẩm Cuộc đời của mẹ (cũng khai thác về gia đình của nhà cách mạng Trương Văn Bang), Người con của rừng tràm tạo dấu ấn bằng những diễn biến tâm lý sâu sắc của từng nhân vật để thông qua đó giúp khán giả cảm nhận rõ nét, đồng cảm và cuốn theo diễn biến của toàn vở diễn.

Bên cạnh đó, sự chuyển đổi bối cảnh liên tục trên sân khấu vừa khiến khán giả hình dung rõ nét sự đối lập, chênh lệch về lực lượng, trang bị giữa ta và địch, vừa giúp vở diễn thêm cuốn hút. Bối cảnh sân khấu được chuẩn bị kỹ, kết hợp với âm thanh, ánh sáng và hiệu ứng led giúp tăng hiệu quả thị giác cho khán giả cũng như giảm thiểu thời gian chuyển cảnh, khiến cảm xúc của khán giả được liền mạch và đầy đặn hơn.

Việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực sân khấu được xem là một điểm mạnh của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An trong những năm gần đây trong hành trình gìn giữ nghệ thuật truyền thống. Ngoài kết hợp hiệu ứng từ công nghệ, nghệ thuật rối bóng, vũ đạo cũng được lồng ghép khéo léo vào vở diễn để tăng tính giải trí, tạo sự thu hút cho tác phẩm.

Nghệ thuật rối bóng được đưa vào vở diễn Người con của rừng tràm nhằm tăng tính giải trí và thu hút

Nghệ thuật rối bóng được đưa vào vở diễn Người con của rừng tràm nhằm tăng tính giải trí và thu hút

Nỗ lực của người làm nghệ thuật

Với Người con của rừng tràm, một câu chuyện sử được kể lại nhẹ nhàng, khéo léo bằng ngôn ngữ cải lương, qua từng tình tiết và nhân vật,... Các “nút thắt” và “mở” đều tập trung vào diễn biến tâm lý nhân vật nhằm tạo cảm xúc và kịch tính cho vở diễn.

Lần thứ 2 thủ vai nhà cách mạng Trương Văn Bang, NS Ưu tú Vương Tuấn cho rằng, gần như không có sự trùng lặp trong 2 lần hóa thân bởi khía cạnh khai thác nhân vật hoàn toàn khác nhau. “Nhân vật anh Ba trong vở diễn vừa là cán bộ chỉ huy uy nghiêm, điềm đạm lại là người chồng, người cha tình cảm. Ông không chỉ quả cảm, mưu trí với địch mà còn rất nhân đạo trong cách xử lý tình huống, dễ thu phục được lòng người” - NS Ưu tú Vương Tuấn chia sẻ.

Không chỉ có anh Ba, mỗi nhân vật trong vở diễn đều có một câu chuyện rất riêng, từ đó tôn vinh lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, chống ngoại xâm của nhân dân ta.

Vào vai lão nông “cùng đường” do thời thế, NS Ngân Cường khiến khán giả vừa bật cười với những miếng hài nho nhỏ, vừa rơi nước mắt cùng những oái oăm, dồn nén trong cuộc đời ông. “Nhận vai diễn ông Tư, tôi thức trắng nhiều đêm để nghiền ngẫm và cảm nhận về nhân vật. Vai diễn này rất khác so với các vai hề, ác mà tôi diễn trước đây” - NS Ngân Cường bày tỏ.

Chính những sự khác biệt đó tạo nên tác phẩm đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 - Người con của rừng tràm. Một góc lịch sử được tái hiện sinh động, nhẹ nhàng bằng nghệ thuật truyền thống và giữ chân được khán giả trẻ tuổi ngồi lại đến những phút cuối cùng được xem là thành công của Người con của rừng tràm.

NS Nhân dân Hồ Ngọc Trinh cho biết: “Từ khi có ý tưởng, chúng tôi chuẩn bị chu đáo từ kịch bản đến lựa chọn diễn viên cho từng vai diễn. Sự góp mặt và phối hợp ăn ý của các NS Ưu tú như Ngọc Đợi, Vương Tuấn, Vương Sang cũng như các NS trẻ tài năng như Thu Mỹ, Phú Yên, Quỳnh Nhi, Trần Minh, Trọng Tánh, Phương Nhi đã tạo nên thành công chung cho vở diễn. Huy chương Vàng Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 là một niềm vinh hạnh và sự đón nhận nhiệt tình của khán giả trong và ngoài tỉnh tại Đêm hội truyền thống thuộc khuôn khổ Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024 thực sự là nguồn động lực to lớn để anh chị em NS trong Đoàn tiếp tục hành trình “kiếp tằm trả nợ dâu xanh”.

Bằng ngôn ngữ cải lương ngọt ngào, sâu lắng, Người con của rừng tràm kể lại lịch sử một cách đầy cảm xúc và kịch tính. Với sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, vở diễn chinh phục được khán giả và minh chứng cho sức sống của nghệ thuật cải lương cho đến hôm nay./.

Mộc Châu

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ke-su-bang-cai-luong-a194400.html