Kênh dài nhất TP Hồ Chí Minh chậm tiến độ, dân khổ vì ô nhiễm
Sau hơn 2 năm khởi công, dự án cải tạo tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, tuyến kênh dài nhất thành phố Hồ Chí Minh, vẫn thi công chậm chạp, mới đạt gần 50% khối lượng.

Công trường ngổn ngang tại dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: H.Phạm
Ghi nhận trong những ngày đầu tháng 7 tại nhiều đoạn thi công trên các gói thầu của dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, có thể thấy rõ hình ảnh công trường còn ngổn ngang vật liệu xây dựng, đất đá tập kết thành từng đống dọc tuyến kênh, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân.
Cụ thể, tại khu vực gói thầu XL-02 và XL-03, đoạn qua cầu Bà Hom thuộc phường Tân Tạo (quận Bình Tân cũ), công trường gần như vắng bóng công nhân và máy móc thi công. Tương tự, tại các gói thầu XL-04 và XL-05, đoạn qua cầu Tân Kỳ - Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa, cũng đang thi công chậm chạp. Trên công trường yên ắng hơn so với không khí tấp nập ở thời gian đầu thi công dự án.
Còn tại khu vực từ cầu Chợ Cầu đến cầu Trường Đai (thuộc XL08 và XL09, quận Gò Vấp cũ), bùn đất được móc lên từ lòng kênh chất đống ven bờ. Nhiều hộ dân phải chủ động cắm biển “cấm đổ rác” để giữ gìn vệ sinh khu vực trước nhà.
“Việc thi công chậm trễ, khiến cho môi trường xung quanh dọc tuyến kênh bị ô nhiễm nặng nề, đi lại và sinh hoạt của người dân rất khó khăn. Giờ đây chúng tôi chỉ mong dự án được thi công nhanh chóng để dự án sớm hoàn thành, người dân đỡ khổ...”, bà Lê Thị Hậu (sống tại phường Gò Vấp) phản ánh.

Dọc hai bên tuyến kênh là những công trường yên ắng, ngổn ngang đất đá, vật liệu xây dựng. Ảnh: H.Phạm
Thông tin về tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố Hồ Chí Minh (Ban Hạ tầng đô thị - chủ đầu tư) cho biết, tính đến đầu tháng 6, tiến độ toàn bộ dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên mới đạt gần 50% tổng khối lượng. Trong đó, đối với các gói thầu XL-02, XL-03, XL-04 và XL-05, khối lượng xây dựng chỉ đạt từ 35,39% đến 49,25%, chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Theo ông Đậu An Phúc - Giám đốc Ban Hạ tầng đô thị, mặc dù chủ đầu tư đã liên tục đôn đốc, gửi công văn nhắc nhở, yêu cầu nhà thầu đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công, nhưng tình trạng chậm trễ vẫn diễn ra. Chủ đầu tư đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để đôn đốc, đẩy nhanh thi công, trong đó bao gồm cả xử phạt một số nhà thầu do vi phạm tiến độ hợp đồng.
Đơn cử như Công ty cổ phần Hải Đăng thi công các gói XL-03, XL-04, XL-05 không đáp ứng yêu cầu và đã bị xử phạt tổng cộng hơn 680 triệu đồng. Tương tự, Công ty cổ phần Xây dựng vận tải Hoàng Ngân bị phạt gần 32 triệu đồng do thi công gói thầu XL-05 không đạt.

Những khối bê tông với sắt thép hoen rỉ, cùng từng đống đất đá, bùn thải tập kết ngổn ngang dọc tuyến kênh. Ảnh: H.Phạm
Cùng với đó, Ban Hạ tầng đô thị đã gửi thông báo về vi phạm hợp đồng do tiến độ thi công không đáp ứng yêu cầu với Công ty cổ phần Công trình giao thông công chánh, Công ty cổ phần Xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương (thi công gói thầu XL-01); Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Thới Bình (gói thầu XL-01, XL-03); Công ty cổ phần Đầu tư 559, Công ty cổ phần Xây dựng 201 (gói thầu XL-09); Công ty cổ phần Công trình giao thông Sài Gòn, Công ty cổ phần Xây lắp thủy sản II (gói thầu XL-01).
Điều đáng nói, công tác giải phóng mặt bằng hiện đang gặp khó khăn. Theo ông Đậu An Phúc, dù phần lớn mặt bằng dự án đã được chuẩn bị từ giai đoạn 1 (thực hiện từ năm 2002), nhưng đến nay vẫn còn 15 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng dù đã được bồi thường. Trong đó, thậm chí có một số trường hợp tái lấn chiếm trong phạm vi dự án.
Ngoài ra, tình trạng khan hiếm vật tư xây dựng như cát, đá cũng khiến tiến độ thi công bị ảnh hưởng. Chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu bổ sung nhân lực, thiết bị, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ.
Về kế hoạch vốn, năm 2025, dự án được giao kế hoạch vốn hơn 3.567 tỷ đồng, kế hoạch giải ngân là 1.298 tỷ đồng. Nhưng đến nay mới thực hiện được gần 164 tỷ đồng, đạt 4,6% kế hoạch vốn và 12,6% vốn giải ngân, chậm trễ nhiều so với kế hoạch được giao. Ban Hạ tầng đô thị đã yêu cầu nhà thầu bổ sung thiết bị, nhân lực, vật tư để đẩy nhanh tiến độ thi công, nhằm bù lại khoảng thời gian chậm trễ.
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên khởi công đầu năm 2023, với tổng chiều dài tuyến kè bờ hơn 63km; nạo vét tuyến kênh hơn 31km; làm đường hai bên kênh dài hơn 63km. Tổng vốn dự án được điều chỉnh lên hơn 9.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024, thời gian thực hiện kéo dài đến năm 2026. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thi công, tính đến cuối tháng 4-2025, dự án mới thông xe được khoảng 4,3km đường ven kênh.
Khi hoàn thành, dự án sẽ giúp chỉnh trang đô thị, giảm ô nhiễm, tạo trục thoát nước cho gần 15.000ha lưu vực và giảm tải áp lực giao thông thành phố Hồ Chí Minh.