Kênh dẫn La Khê cao hơn nền nhà dân cả mét: Dự án vẫn thi công theo quy hoạch
Cả trăm hộ dân sinh sống bên đường Ngô Quyền, Hà Đông, Hà Nội phản ánh về việc cos đường sau khi thi công của hệ thống kênh dẫn La Khê thuộc dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa sẽ cao hơn nhà dân đến 1,5 mét nhưng chủ đầu tư cho biết, dự án sẽ vẫn thi công theo quy hoạch.
Dự án phải triển khai theo đúng quy hoạch
An ninh Thủ đô đã có bài viết phản ánh về dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa trong quá trình thi công hệ thống tiêu, thoát nước trên đường Ngô Quyền, phường Hà Đông, Hà Nội đã gây ra tình trạng cos đường và cos hệ thống tiêu thoát nước có những đoạn cao hơn khu vực dân cư bên đường đến 1,5m khiến người dân bức xúc và lo ngại về úng ngập khi hệ thống này đi vào hoạt động.
Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, đại diện Ban Quản lý, Duy tu các công trình nông nghiệp và môi trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội- chủ đầu tư) cho biết, chủ đầu tư đã có cuộc họp với đại diện chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn và khu vực dân cư bị ảnh hưởng trên đường Ngô Quyền, phường Hà Đông.

Nhiều nền nhà dân khu vực đường Ngô Quyền, Hà Đông sẽ chênh với nền đường sau khi hoàn thành dự án khoảng 1,5m
Cùng với đó, chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị thi công kiểm tra cụ thể cos đường Ngô Quyền hiện nay và cos nhà dân từng khu vực. Trong đó, có những khu vực nhà dân ở ngõ 28 Ngô Quyền có cos thấp nhất ở mức +4,6 đến +4,8m. Nếu so với quy hoạch đường Ngô Quyền sau khi hoàn thiện ở cos +6,1m thì mức chênh khá lớn. Còn lại, trung bình cos nhà dân ở xung quanh khu vực này ở mức +5,2 đến + 5,4m.
Cũng theo đại diện Ban Quản lý, Duy tu các công trình nông nghiệp và môi trường, tới đây, Ban sẽ tiếp tục họp với người dân và chính quyền sở tại để phổ biến lại về quy hoạch tuyến đường Ngô Quyền và dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa. Theo đó, dự án sẽ tiếp tục triển khai theo quy hoạch, tức mặt đường sau khi hoàn thiện sẽ ở mức cos + 6,1m chứ không thể triển khai dự án theo hiện trạng dân cư và tuyến đường.
Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư cho biết, toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật như thu gom nước thải, tiêu thoát nước sẽ được hạ cos để làm sao hạn chế ảnh hưởng thấp nhất đến việc tiêu thoát nước của khu vực dân cư bên đường.

Việc thi công kênh dẫn La Khê thuộc dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa kéo dài khiến người dân đi lại vô cùng khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống
"Quy hoạch đường thì chúng tôi không có thẩm quyền điều chỉnh, thay đổi nhưng hạ tầng kỹ thuật thì chúng tôi sẽ thi công theo hiện trạng dân cư khu vực để hài hòa, cũng đồng thời phát huy hiệu quả tiêu, thoát nước của dự án", vị đại diện này cho biết.
Dù vậy, cả trăm hộ dân ở khu vực đường Ngô Quyền, phường Hà Đông, Hà Nội vẫn băn khoăn về cos đường sau khi hoàn thành cải tạo, nâng cấp quá cao so với hiện trạng nhà dân hai bên đường. Đặc biệt, có khu vực như ngõ 28 Ngô Quyền sẽ chênh so với mặt đường mới khoảng 1,5m nên việc đi lại của người dân gặp khó khăn.
Bà Vũ Thị Dung ở cụm 1, phường Hà Đông, Hà Nội bày tỏ: "Cả trăm hộ dân chúng tôi vẫn kiến nghị chủ đầu tư xem xét hạ thêm cos đường Ngô Quyền để phù hợp với hiện trạng. Nếu tiếp tục thi công như thiết kế, quy hoạch thì việc đi lại của người dân ra đường chính sẽ gặp khó khăn vì chênh lệch độ cao quá lớn".
Dự án Ì ạch vì nút thắt mặt bằng
Trong khi khúc mắc giữa chủ đầu tư và cả trăm hộ dân còn chưa có hướng giải quyết để đẩy nhanh tiến độ gói thầu trên đường Ngô Quyền vốn đã kéo dài nhiều năm qua thì dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa cũng khó có thể về đích trong năm nay.
Đường Ngô Quyền, Hà Đông, Hà Nội những ngày mưa không khác gì ao
Báo cáo mới nhất từ Sở NN&MT Hà Nội cho thấy, đối với hạng mục kênh dẫn La Khê vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Hiện vẫn còn khoảng 45 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, trong khi theo cam kết của quận Hà Đông (cũ) thì mặt bằng sẽ được bàn giao dứt điểm vào giữa năm 2024.
Đó là chưa kể công tác di chuyển hạ tầng kỹ thuật (di chuyển điện, nước, viễn thông...) do nhiều vị trí chưa GPMB xong nên chưa thể thi công cừ, hào kỹ thuật và chưa có mặt bằng di chuyển đường điện trung thế, nước sạch. Bởi vậy, việc dự án có thể hoàn thành dứt điểm vào cuối năm nay hay không thì chủ đầu tư cũng khó xác nhận.
"Chúng tôi cũng muốn có mặt bằng sạch để thi công dứt điểm, bàn giao dự án cho đơn vị vận hành. Các nhà thầu thi công dự án này cũng đã rất "oải" vì thường xuyên phải thi công trong cảnh "xôi đỗ" do không có mặt bằng", đại diện chủ đầu tư chia sẻ.
Tại văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội vào tháng 6 vừa qua, Sở NN&MT kiến nghị TP chỉ đạo chính quyền địa phương hoàn thành dứt điểm công tác GPMB và di chuyển hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án để bàn giao diện tích GPMB còn lại cho chủ đầu tư hoàn thành dự án.