TP. Hồ Chí Minh thúc giải ngân vốn đầu tư công vào các dự án trọng điểm
Giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ghi nhận một số tín hiệu tích cực khi đạt tỷ lệ hơn 39% trong 6 tháng đầu năm nay, vượt mức bình quân của cả nước.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tràng Dương/TTXVN
Để đạt mục tiêu giải ngân 100% vào cuối năm, TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn vào các công trình, dự án trọng điểm đang được triển khai trên địa bàn.
Tại phiên họp đánh giá kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 ngày 4/7 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh cho biết: Tổng số vốn đầu tư công năm 2025 của thành phố sau hợp nhất được Thủ tướng Chính phủ giao là 118.948 tỷ đồng và đã thực hiện phân bổ tổng cộng là 152.146 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 128% mức vốn được giao.
Tính đến cuối tháng 6, TP. Hồ Chí Minh đã giải ngân 46.686 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 30,7% kế hoạch vốn giao và đạt tỷ lệ 39,2% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. Với kết quả này, TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân của cả nước được Bộ Tài chính dự kiến trong 6 tháng đầu năm (32,5%).
Đối với địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ), tổng số vốn đầu tư công năm 2025 của tỉnh được Chính phủ giao là 13.836 tỷ đồng và tổng số vốn UBND tỉnh đã thực hiện phân bổ là 29.662 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 214% mức vốn được giao, còn dự phòng là 7.341 tỷ đồng (dự kiến tiếp tục phân bổ sau khi các dự án đủ điều kiện bố trí vốn).
Đến hết ngày 30/6/2025, tỉnh đã giải ngân 8.797 tỷ đồng, đạt 29,7% kế hoạch vốn giao và đạt 63,6% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (9.349/13.836 tỷ đồng).
Tại tỉnh Bình Dương (cũ), năm 2025, tổng số vốn đầu tư công của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao là 19.595 tỷ đồng và tổng số vốn UBND tỉnh đã thực hiện phân bổ là 36.967 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 189% mức vốn được giao.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 6/2025 của tỉnh Bình Dương là 6.173 tỷ đồng, đạt 17,1% kế hoạch vốn giao và đạt 31,5% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (6.173/19.595 tỷ đồng).
Riêng địa bàn TP. Hồ Chí Minh (cũ), thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao giải ngân đầu tư công năm 2025 là 85.517 tỷ đồng và UBND Thành phố đã thực hiện phân bổ đạt tỷ lệ 100% mức vốn được giao.
Đáng chú ý, tính đến hết tháng 6/2025, TP. Hồ Chí Minh (cũ) dự kiến giải ngân 31.716 tỷ đồng, đạt 37,1% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Con số này đặc biệt đáng chú ý khi cuối tháng 5, TP. Hồ Chí Minh (cũ) mới giải ngân 8.710 tỷ đồng, đạt 10,2% tổng mức vốn đầu tư công năm 2025. Với tỷ lệ đạt hơn 37%, giải ngân đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh (cũ) đã vượt 10% so với kế hoạch đã đề ra theo kế hoạch trước đó của Thành phố (tỷ lệ 27%).
Từ kết quả tích cực trong nửa đầu năm, ông Võ Văn Minh, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (cũ) cũng nhận định, thành phố có nhiều dư địa để thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong 6 tháng cuối năm, nhất là khi thành phố đang triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm cùng lúc.
Theo ông Minh, có một số dự án có thể giải ngân ngay trong tháng 7/2025. Chẳng hạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương (cũ), dự án thành phần 1 - giải phóng mặt bằng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương và dự án Vành đai 4 đoạn qua Bình Dương hiện đã có giá bồi thường, có thể chuyển qua phê duyệt và giải ngân trong tháng 7 này.
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong nửa cuối năm nay, thành phố sẽ tiếp tục tập trung thực hiện và giải ngân một số dự án trọng điểm.
Cụ thể, dự án nâng cấp tuyến đường Bà Rịa - Châu Pha - Hắc Dịch (711 tỷ đồng); 2 tuyến đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu (1.172 tỷ đồng); cầu Phước An (732 tỷ đồng); nâng cấp mở rộng đường Hội Bài - Phước Tân (723 tỷ đồng); dự án thành phần 1 giải phóng mặt bằng đường Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương (8.000 tỷ đồng);
Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dự án thành phần 1 - giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (7.307 tỷ đồng); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (16.285 tỷ đồng); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (10.424 tỷ đồng); nâng cấp đường trục Bắc - Nam (9.894 tỷ đồng); nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Văn Thánh (8.614 tỷ đồng)…
Theo Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng 10 dự án trọng điểm nêu trên, TP Hồ Chí Minh dự kiến có thể giải ngân khoảng 63.862 tỷ đồng, chiếm 54% tổng số kế hoạch vốn đầu tư công của thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện năm 2025 (118.948 tỷ đồng).
Cùng với đó, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng thúc đẩy thực hiện hiệu quả vai trò của Tổ Công tác thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công của Thành phố; quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo về rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục đối với các dự án đầu tư công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ vì lý do chủ quan.
Nhằm khắc phục tình trạng chậm giải ngân đầu tư công như thời gian trước, tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh lưu ý các Sở ngành, địa phương phải rút kinh nghiệm và thực hiện đúng các chỉ đạo, kết luận liên quan đến việc giải ngân vốn.
Đối với các công trình mới chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công năm 2026, ông Nguyễn Văn Được yêu cầu Chủ tịch UBND 168 xã, phường trên địa bàn, cùng Giám đốc 15 Sở, ngành và Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp cần lập danh mục đầu tư ngay từ bây giờ, hoàn thành trong tháng 8 và gửi về Sở Tài chính tổng hợp, trình thường trực UBND. Lãnh đạo thành phố sẽ căn cứ vào định hướng phát triển sắp tới để lập hồ sơ đầu tư. Dự kiến cuối năm nay, tất cả hồ sơ này sẽ được hoàn thành và sẵn sàng cho việc bố trí vốn ngay từ đầu năm 2026, tránh tình trạng phân bổ vốn chậm như đầu năm 2025.