Kênh Thanh Đa tiếp tục sụt lún, khẩn trương di dời 32 hộ dân
Trước việc nhiều căn nhà ở điểm sạt lở bờ kè Thanh Đa (phường 25) tiếp tục sụt lún nghiêm trọng hơn, Sở GTVT TPHCM và UBND quận Bình Thạnh đã đề xuất dời 32 hộ dân để bảo đảm an toàn khi mùa mưa bão sắp đến.
Sở Giao thông vận tải (GTVT) và UBND quận Bình Thạnh, TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TP về việc bờ kè Thanh Đa (phường 25) tiếp tục sụt lún nghiêm trọng, đồng thời đề xuất dời 32 hộ ven dân để bảo đảm an toàn khi mùa mưa bão sắp đến.
Theo đó, qua công tác phối hợp, đánh giá hiện trạng giữa Sở GTVT và UBND quận Bình Thạnh vào đầu tháng 4/2024, các đơn vị ghi nhận: bờ kè kênh Thanh Đa - đoạn 1.1 (tại vị trí sụt lún, phường 25) cách đỉnh kè 10m xuất hiện các vết nứt 10cm đến 20cm dọc theo tuyến kè, hình thành cung trượt gây mất ổn định tuyến kè nhà các hộ dân đã di dời tiếp tục có dấu hiện chuyển vị (nghiêng về phía kênh), bị sụt lún nặng hơn và có nguy cơ sụp đổ.
Các căn nhà liền kề khu vực bị ảnh hưởng có dấu hiệu sụp lún, nứt tường có nguy cơ sạt lở về phía sông khi điều kiện thời tiết bất lợi mưa lớn trong thời gian dài, triều kiệt.
Theo các cơ quan chức năng, hiện tại, mùa mưa bão sắp đến, trong trường hợp thời tiết bất lợi, mưa lớn thời gian dài, thủy triều kiệt, các nhà dân dọc theo tuyến kè 1.1 Thanh Đa (32 hộ) có thể sạt lở về phía sông bất kỳ lúc nào.
Do đó, UBND quận Bình Thạnh đã chỉ đạo UBND phường 25 và các đơn vị liên quan nhanh chóng tổ chức di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; tiếp tục cắt cử lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra nhắc nhở người dân và kịp thời xử lý sự cố xảy ra.
Nhận thấy tính cấp bách của việc triển khai dự án xây dựng kiên cố tuyến kè Thanh Đa - đoạn 1.1, Sở GTVT và UBND quận Bình Thạnh đã có các buổi làm việc để trao đổi và thống nhất các giải pháp thực hiện nhằm đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão năm nay.
Theo đó, hai cơ quan này đã đề xuất, kiến nghị UBND TP phân kỳ dự án thành 2 giai đoạn.
Trong đó, ở giai đoạn 1 sẽ xây dựng kiên cố tuyến kè Thanh Đa để ổn định nền đất tại khu vực. Quận Bình Thạnh sẽ tổ chức sơ tán, di dời người, tài sản các nhà dân (32 căn nhà) dọc theo tuyến kè 1.1, trong phạm vi 10 m tính từ đỉnh kè ra khỏi khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm.
Bên cạnh đó, địa phương này sẽ tổ chức khảo sát, kiểm tra đánh giá toàn bộ hiện trạng để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi dự án được phê duyệt. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, tiếp xúc và vận động người dân có nhà trong phạm vi 10m, cho phép tháo dỡ để triển khai xây dựng kiên cố tuyến kè kênh Thanh Đa.
Các chi phí khảo sát, kiểm tra đánh giá hư hỏng nhà ở, vật kiến trúc; chi phí tháo dỡ các căn nhà trong khu vực bị sạt lở và chi phí hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sẽ được tính vào dự án xây dựng đường giao thông dọc tuyến kè theo quy hoạch.
Sở GTVT đề xuất giao Trung tâm Quản lý đường thủy tổ chức thực hiện xây dựng kiên cố tuyến kè bằng nguồn vốn duy tu giao thông năm 2024 duy tu đường thủy sau khi có mặt bằng trống.
Sở Xây dựng sẽ phối hợp, hỗ trợ UBND Bình Thạnh trong việc sắp xếp, bố trí nguồn quỹ nhà tái định cư trên địa bàn quận để sử dụng tạm cho người dân tại khu vực tuyến kè Thanh Đa.
Trong giai đoạn 2: Xây dựng đường giao thông dọc tuyến kè theo Quy hoạch phân khu 1/2000 được duyệt (Tuyến đường giao thông dọc tuyến kè có quy mô, kích thước và ranh đường phù hợp với quy hoạch tuyến đường D9, lộ giới 16m) kết nối ra đường Ung Văn Khiêm với chiều dài tuyến khoảng 1.065m.
Kiến nghị giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp UBND quận Bình Thạnh nghiên cứu tham mưu, đề xuất UBND TP xem xét, chấp thuận chủ trương cho UBND quận Bình Thạnh lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường giao thông D9 theo quy hoạch được duyệt. Sau khi được UBND TP chấp thuận, các đơn vị sẽ hoàn chỉnh Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án trước ngày 18/5/2024 để thực hiện các thủ tục tiếp theo theo quy định.
Cuối tháng 6/2023, đoạn kè này đã bị sạt lở với chiều dài khoảng 120m và chiều rộng từ đỉnh kè đá hiện hữu vào trong bờ khoảng 10m. Vị trí sạt lở nằm ở bờ phải kênh Thanh Đa - đoạn 1,1 (phường 25, quận Bình Thạnh), cách hạ lưu cầu Kinh khoảng 50m.
Sau đó, UBND quận Bình Thạnh đã tổ chức di dời khẩn cấp 13 hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở nguy hiểm; đồng thời, tổ chức rào chắn khu vực nêu trên và bố trí lực lượng trực gác thường xuyên không cho người dân ra vào khu vực.