Kết cục của những kẻ trốn thuế bằng hóa đơn
100 bị cáo, trong đó có nhiều tổng giám đốc, giám đốc các công ty, hầu tòa vì liên quan đường dây mua bán khống hơn 1 triệu hóa đơn VAT với doanh số gần 64 nghìn tỉ đồng hầu tòa. Đây là những kẻ coi hóa đơn là loại hàng hóa để mua bán trục lợi, kẻ bán hóa đơn thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng, những người mua hóa đơn thì trục lợi hàng trăm tỉ đồng từ việc... trốn thuế.
Lập “ma trận” gồm hàng trăm công ty để bán hóa đơn…
Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đang mở phiên tòa xét xử vụ án mua bán khống hơn 1 triệu hóa đơn giá trị gia tăng (VAT), tổng doanh số 64.000 tỉ đồng. Đây là vụ án thuộc diện theo dõi của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Phú Thọ.
Theo nội dung vụ án, qua công tác nắm tình hình các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế trên địa bàn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện Nguyễn Thúy Hạnh (sinh năm 1980, Hà Nội) là giám đốc Công ty CP Nam Sơn Vic (thị xã Phú Thọ) đã mua 31 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống, với tổng giá trị hàng hóa là 8,7 tỉ đồng. Mở rộng điều tra, ngày 14/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra về hành vi mua, bán trái phép hóa đơn và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Theo đó, đường dây mua bán hóa đơn khủng phát lộ. Đường dây được điều hành bởi Nguyễn Minh Tú (sinh năm 1992, trú tại TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh). Đường đây được điều hành tinh vi, hoạt động rộng khắp cả nước.
Trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2022, Nguyễn Minh Tú lợi dụng quy định đăng ký kinh doanh, thành lập, chuyển nhượng, nhận mã số thuế doanh nghiệp được phép thực hiện qua trang web, để chỉ đạo Nguyễn Thị Huế (sinh năm 1988, Hà Nội) và 2 cá nhân tên là Kiên và Vân (không xác định được danh tính) mua 646 doanh nghiệp. Nhóm của Tú bỏ chi phí từ 50 - 60 triệu đồng mua 1 doanh nghiệp. Sau đó, Tú thiết lập mạng lưới đối tượng trung gian, hoạt động trên mạng xã hội để bán hóa đơn GTGT cho các đơn vị có nhu cầu trên địa bàn cả nước. Để che giấu việc bán hóa đơn trái phép, Tú đã thuê Huế “tự kê”, “khai khống” doanh số mua vào; “khai giảm” doanh số hóa đơn bán ra trên tờ khai thuế điện tử tại các kỳ quyết toán thuế của doanh nghiệp của các Công ty bán hóa đơn nhằm qua mặt các cơ quan chức năng.
Để hợp thức thủ tục thanh toán “qua ngân hàng” cho các hóa đơn GTGT đã bán, Nguyễn Minh Tú và Võ Tấn Lộc (TP. Hồ Chí Minh) “mua” 6 công ty tài chính. Tú giao cho Lộc điều hành 6 công ty tài chính, để nhằm hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho hoạt động mua bán trái phép hóa đơn GTGT.
Tiếp đó, Tú và Lộc sử dụng số điện thoại sim “rác” để đăng ký ứng dụng Internetbanking chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của các đối tượng trung gian với số tiền bằng với doanh số hóa đơn đã bán. Sau đó, các đối tượng trung gian giữ lại tiền bán hóa đơn theo thỏa thuận với các doanh nghiệp mua hóa đơn của các đơn vị mua hóa đơn. Các cá nhân này nộp số tiền đã nhận được cộng với số tiền phải bỏ ra mua hóa đơn theo thỏa thuận vào tài khoản doanh nghiệp mua hóa đơn, sau đó thực hiện chuyển khoản trả lại tài khoản các doanh nghiệp bán hóa đơn của Tú và đồng bọn, coi như hoàn thành việc thanh toán.
Đối với các hóa đơn đã xuất bán mà mặt hàng cần điều kiện phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm…, Nguyễn Minh Tú thông qua mạng Internet tìm kiếm và đặt mua 32 con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền (UBND các tỉnh, các sở, ngành và cơ quan đăng kiểm, kiểm định, công chứng), sau đó sử dụng các con dấu để tạo dựng “khống” các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn, rồi chuyển lại cho doanh nghiệp mua hóa đơn sử dụng thanh, quyết toán với cơ quan thuế. Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Phú Thọ khám xét thu giữ 32 con dấu của các cơ quan, tổ chức.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nêu rõ, trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2022, Nguyễn Minh Tú đã trực tiếp và thông qua 73 đối tượng trung gian, sử dụng 646 công ty, để bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn Giá trị gia tăng (VAT) cho 88.053 đơn vị, tổ chức với tổng doanh số hơn 63.762 tỉ đồng. Nguyễn Minh Tú thu được số tiền hơn 294 tỉ đồng từ hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Số tiền này, Tú đã chia cho Võ Tấn Lộc (là người điều hành các công ty tài chính của Tú) số tiền hơn 12,3 tỉ đồng; trả cho Nguyễn Thị Huế (là người giúp Tú “mua” các doanh nghiệp) số tiền 31,6 tỉ đồng; còn lại Tú tự nguyện giao nộp số tiền hơn 15,2 tỉ đồng. Như vậy, Nguyễn Minh Tú còn phải nộp số tiền hưởng lợi hơn 234,9 tỉ đồng.
…và các giám đốc mua hóa đơn để trốn thuế
Trong số 100 bị cáo bị đưa ra xét xử, 30 bị cáo bị truy tố tội “Trốn thuế”, 68 người bị truy tố tội “Mua bán trái phép hóa đơn”, đáng chú ý là có tới 71 bị cáo trước khi bị bắt là giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch, phó giám đốc, 11 người là kế toán. Đây là những “khách hàng Vip” của Nguyễn Minh Tú và các đồng phạm. Trong 30 giám đốc doanh nghiệp bị truy tố tội Trốn thuế, VKS xác định, đặc điểm chung là đều thu mua nguyên liệu sản xuất của các cơ sở nhỏ lẻ, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, không thể quyết toán thuế. Họ đã tìm đến Tú và các trung gian của Tú để mua hóa đơn. Trong 30 giám đốc doanh nghiệp bị truy tố tội Trốn thuế, VKS xác định, bị cáo Vũ Hoàng Phi Hiếu, 46 tuổi, giám đốc 3 công ty thu mua phế liệu tại tỉnh Đồng Nai, (gồm: Công ty Hai Bảo Phát, Công ty Ngọc Thư và Công ty Hoàng Bảo Hiếu) là người mua nhiều hóa đơn VAT khống nhất, 998 hóa đơn. Tổng số tiền thuế người này bị cáo buộc "trốn" trong vòng một năm, ước tính 130 tỉ đồng.
Đại diện VKS cáo buộc, tổng số hóa đơn VAT khống được 30 bị cáo mua là 3.531 hóa đơn để trốn tổng số tiền thuế là 235 tỉ đồng. Tú đã sử dụng chiêu trò tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng bán hóa đơn khống, với công thức chung là tạo giao dịch giả giữa công ty mua hóa đơn, công ty bán hóa đơn và các công ty tài chính của Tú, để tạo ra dòng tiền luân chuyển thật giữa các công ty.
Điển hình như, trong năm 2021 và năm 2022, Công ty Phú Gia Khang mua kim loại phế liệu của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nên không được xuất hóa đơn. Theo thỏa thuận, Trương Như Tùng (giám đốc) liên hệ với cá nhân tên “Ngân” (chưa xác định được danh tính) để mua 73 hóa đơn GTGT do 6 Công ty phát hành. 6 Công ty này đều là những công ty do Nguyễn Minh Tú thành lập.
Để hợp thức thủ tục thanh toán cho việc mua hóa đơn, Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải nhiên liệu Trí Tài (là Công ty tài chính do Tú sử dụng) chuyển tiền lòng vòng qua nhiều tài khoản lập tại các ngân hàng khác nhau rồi Ủy nhiệm chi tiền đến 6 Công ty bán hóa đơn. Hoặc người của Ngân đưa tiền mặt để Tùng nộp vào tài khoản của Công ty Phú Gia Khang rồi Tùng thực hiện Ủy nhiệm chi đến tài khoản Công ty bán hóa đơn. Theo thỏa thuận, Tùng phải trả cho “Ngân” số tiền tương đương 4% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn. Để mua 73 hóa đơn GTGT khống, Tùng đã trả số tiền gần 2,3 tỉ đồng cho “Ngân” bằng hình thức tiền mặt. Sau khi mua 73 hóa đơn nêu trên, Tùng đã sử dụng để kê khai thuế đầu vào của Công ty Phú Gia Khang và được khấu trừ số tiền thuế GTGT là trên 5,7 tỉ đồng.
Tương tự, trong năm 2021 và 2022, Công ty Gỗ Đại Thiên Phát đã mua nguyên liệu sản xuất gồm mùn cưa, dăm bào, rác ván lạng, palet… của các cá nhân và các cơ sở thu gom nhỏ lẻ để phục vụ sản xuất. Để chứng minh nguồn gốc hàng hóa đã mua, Lê Thị Sáng (giám đốc) đã chỉ đạo Phan Thị Biên là người quản lý công ty tìm những doanh nghiệp đang hoạt động để mua hóa đơn. Biên đã liên hệ với một cá nhân tên là “Cường” để mua 414 hóa đơn GTGT của 11 Công ty. 11 Công ty này do Nguyễn Minh Tú thành lập. Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn, Cường chuyển khoản số tiền bằng số tiền hàng cộng với 5% thuế GTGT vào tài khoản của Biên, để Biên chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Gỗ Đại Thiên Phát hoặc Cường sẽ chuyển khoản thẳng vào tài khoản trên của Công ty Gỗ Đại Thiên Phát. Sau đó, Sáng thao tác tiến hành chuyển khoản số tiền trên cộng với 5% thuế GTGT vào tài khoản của Công ty đã xuất hóa đơn để vừa hợp thức việc mua hóa đơn, vừa thanh toán tiền mua hóa đơn. Để mua 414 hóa đơn khống, Sáng và Biên đã trả số tiền 12 tỉ đồng cho “Cường”. Sau khi mua 414 hóa đơn nêu trên, Sáng và Biên đã sử dụng để kê khai thuế đầu vào của Công ty Gỗ Đại Thiên Phát. Cơ quan tố tụng nhận định, Lê Thị Sáng và Phan Thị Biên đã có hành vi trốn thuế và phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền thuế đã trốn là 20 tỉ đồng.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp còn lại cũng bị cáo buộc mua hóa đơn khống của Tú để hạch toán kê khai thuế VAT đầu vào được khấu trừ. Song sau đó, họ đã kê khai bổ sung và nộp toàn bộ số tiền thuế phát sinh. Sau khi trưng cầu giám định về vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp này, Cục Thuế tỉnh Phú Thọ đánh giá các bị can có hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán kê khai thuế VAT đầu vào được khấu trừ. Các bị cáo do đó không bị cáo buộc Trốn thuế mà bị truy tố tội Mua bán trái phép hóa đơn.
Đường dây mua bán hóa đơn của Nguyễn Minh Tú được điều hành một cách tinh vi, khép kín với hàng trăm công ty ma, hàng chục con dấu giả và hàng loạt các công ty tài chính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, mọi hành vi gian dối đều khó thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Vụ án được đưa ra xét xử cũng là lời cảnh tỉnh tới những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, việc gian dối trong sử dụng, kê khai hóa đơn hòng trốn thuế dù được dàn dựng tinh vi cũng sẽ bị phát hiện.
73 người trung gian được Tú đặt tên mã khách hàng, song Cơ quan điều tra mới đủ căn cứ truy tố 6 trường hợp. Với 67 "trung gian" còn lại, VKS cáo buộc đã thông đồng cùng Tú, bán hơn 472.000 hóa đơn, với tổng giá trị ghi trên hóa đơn hơn 36.000 tỉ đồng. Do hết thời hạn điều tra, chưa làm rõ được nhân thân, lai lịch và hành vi phạm tội, Cơ quan điều tra đã tách hành vi để tiếp tục điều tra, xử lý. Với cơ quan quản lý thuế của 646 đơn vị bán hóa đơn và 91 đơn vị mua, sử dụng hóa đơn khống liên quan vụ án, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xem xét trách nhiệm liên quan sau khi tách vụ án.