Kết hợp hạ tầng thủy lợi và giao thông ứng phó biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, xác định các mục tiêu cụ thể của đề án ứng phó thiên tai, biển đổi khí hậu, tránh chồng chéo với các dự án, đề án đã được triển khai tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tại cuộc họp về Đề án phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra chiều 24/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, “chìa khóa” giải quyết những hiện tượng thiên tai, biến đổi khí hậu nêu trên là sự kết hợp dự án hạ tầng thủy lợi và giao thông.

Lời giải cho "bài toán" sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn

Trong quá trình xây dựng Đề án phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với vai trò là cơ quan soạn thảo, phải tiếp cận tổng thể, hệ thống, khoa học, bám sát Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, đề án đã được xây dựng.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải… rà soát, xác định các mục tiêu cụ thể của Đề án, tránh chồng chéo với các dự án, đề án đã được triển khai tại vùng này.

“Chìa khóa” là kết hợp dự án hạ tầng thủy lợi và giao thông để quản lý tài nguyên nước, điều tiết lũ thượng nguồn và phân phối nước ngọt cho vùng trung tâm ĐBSCL, vùng ven biển; giảm khai thác nước ngầm để chống sụt lún; phòng, chống sạt lở bằng các công trình hạ tầng kỹ thuật kết hợp với quy hoạch; sắp xếp lại các khu dân cư ven sông, kênh, rạch và hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho người dân theo các vùng kinh tế nước ngọt, nước lợ, nước mặn".

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đề án phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm nâng cao năng lực phòng, chống các hiện tượng thiên tai nêu trên; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước góp phần đảm bảo ổn định dân sinh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng của vùng.

Đồng thời, làm cơ sở để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng quản trị rủi ro để chủ động kiểm soát hiệu quả các tác động, giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng thiên tai đó gây ra.

Đề án hướng đến mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng sụt lún đất tại các vùng trọng điểm đến năm 2030; chủ động kiểm soát hiệu quả hoạt động khai thác nước ngầm, tích trữ nước; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sạt lở bờ sông, bờ biển; chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở; đảm bảo kiểm soát xâm nhập mặn mùa khôi, duy trì nguồn nước ổn định cho sản xuất nông nghiệp, 80% người dân nông thôn sử dụng từ nước sạch tập trung…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đề nghị rà soát lại các nội dung, nhiệm vụ đã được giao trong các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn, để bổ sung và điều chỉnh trong Đề án nhằm bảo đảm tính khả thi.

Huy động vốn hỗ trợ hạ tầng, kỹ thuật cho lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Cũng trong khuôn khổ cuộc họp, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Bộ Tài chính đã trao đổi về phương án huy động vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) để thực hiện hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật triển khai Đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, đối với Đề án này, Bộ sẽ thay đổi cách tiếp cận từ “dự án” sang chương trình đầu tư công sử dụng vốn vay của WB và xin ý kiến Quốc hội cho áp dụng cơ chế đặc thù để phân bổ trực tiếp cho các địa phương thực hiện dự án thành phần.

Nêu quan điểm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, với phương án Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản đầu tư, trực tiếp ký kết và giải ngân vốn vay của WB cho địa phương thay vì qua nguồn ngân sách Trung ương thì dự án sẽ thực hiện được ngay, không vướng luật.

Phó Thủ tướng nghe báo cáo về phương án huy động vốn hỗ trợ hạ tầng, kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL. Nguồn: VGP.

Phó Thủ tướng nghe báo cáo về phương án huy động vốn hỗ trợ hạ tầng, kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL. Nguồn: VGP.

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành, làm việc với WB và các nhà tài trợ quốc tế khác theo hướng là dự án tổng thể do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ quan chủ quản.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các đơn vị thiết kế dự án phải bám sát Nghị định số 112/2024 quy định chi tiết về đất trồng lúa, từ quy hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ, dự án thành phần đến đánh giá kết quả, hiệu quả và kế thừa thành quả của các nguồn đầu tư trong nước, ngoài nước.

Thu Thảo

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ket-hop-ha-tang-thuy-loi-va-giao-thong-ung-pho-bien-doi-khi-hau-vung-dbscl-34835.html