Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

 Trải nghiệm vẽ bầu hồ lô ở Vân Thê Garden (xã Thủy Thanh)

Trải nghiệm vẽ bầu hồ lô ở Vân Thê Garden (xã Thủy Thanh)

Thiếu liên kết tạo ra các trải nghiệm sâu

Trong chuyến khảo sát sản phẩm du lịch Hương Thủy vào tháng 10/2024, khi đến điểm du lịch Vân Thê Garden (xã Thủy Thanh), nhiều doanh nghiệp bất ngờ khi ở đây có những trải nghiệm thú vị với các hoạt động trải nghiệm làm vườn, làm hoa nghệ thuật, vẽ bầu hồ lô… Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty CP&DV Du lịch HueTourist chia sẻ: “Lâu nay, chúng tôi vẫn thường thiết kế tour đưa khách về Cầu ngói Thanh Toàn, thực sự chưa biết đến những trải nghiệm thú vị ở đây. Nếu có thể liên kết, đưa vào chương trình tour những trải nghiệm này, không chỉ làm giàu trải nghiệm du lịch cho du khách, mà chính những người làm du lịch cộng đồng ở địa phương cũng được hưởng lợi”.

Cùng các đoàn khảo sát của ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp đến các địa phương, không ai phủ nhận, tài nguyên và tiềm năng du lịch ở các huyện, thị trong tỉnh khá lớn. Đơn cử như tại thị xã Hương Thủy, chỉ riêng 2 xã Dương Hòa và Thủy Thanh đã có rất nhiều điều kiện về tự nhiên và văn hóa để khai thác, phát triển du lịch. Hay tại huyện vùng cao A Lưới, nét độc đáo về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cùng các tài nguyên du lịch từ hệ thống suối, thác, rừng nguyên sinh… trở thành “chất liệu” để người dân phát triển du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế phần lớn sản phẩm du lịch do cộng đồng đầu tư, khai thác mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản. Một yếu tố khác là nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch cộng đồng thường được lồng ghép từ các nguồn lực tài chính khác nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch. Điều đáng nói là, tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch chưa chặt chẽ, thậm chí nhiều nơi còn mờ nhạt; công tác đào tạo, bồi dưỡng cho người dân làm du lịch chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tính chuyên nghiệp của người làm du lịch địa phương chưa cao. Các yếu tố trên cộng với việc liên kết các tuyến, điểm du lịch còn hạn chế dẫn đến các sản phẩm du lịch chưa có chiều sâu, chưa thu hút và giữ chân được du khách ở lại lưu trú trong thời gian đủ dài.

Chị Hoài An, một du khách ở Hà Nội từng nhiều lần đến Huế bảo: “Như ở A Lưới khách có thể ở lại vì khoảng cách xa thành phố, còn một số địa phương khác khó giữ chân khách lưu trú vì 3 nguyên nhân chính, đó là cơ sở lưu trú ít và chưa được đầu tư đáp ứng nhu cầu du khách. Thứ hai là ở lại không biết làm gì vì không có trải nghiệm thú vị. Cuối cùng, chính khoảng cách gần thành phố, lại không có gì trải nghiệm đã tạo ra sự so sánh, khiến khách quyết định rời điểm du lịch sớm”.

Các doanh nghiệp lữ hành khảo sát sản phẩm du lịch ở thị xã Hương Thủy

Các doanh nghiệp lữ hành khảo sát sản phẩm du lịch ở thị xã Hương Thủy

Khắc phục điểm yếu, tăng tính kết nối

Ông Trần Thanh Tú, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Du lịch Tú Trần cho rằng, còn nhiều vấn đề đáng bàn liên quan đến tính liên kết trong việc phát triển du lịch. Các điểm du lịch cộng đồng tại các địa phương thường tự phát, khâu truyền thông, quảng bá còn yếu nên doanh nghiệp lữ hành chưa biết đến. Mặt khác, cũng vì tự phát nên tính chuyên nghiệp chưa cao, trong khi doanh nghiệp lại lo sợ ảnh hưởng đến thương hiệu.

“Doanh nghiệp lữ hành khi đưa khách đến các điểm du lịch luôn quan tâm các dịch vụ, nhất là lưu trú, ăn uống. Chỉ riêng chuyện ăn uống, có tình trạng hôm nay nấu ngon, mai lại không ngon. Có lần, điểm du lịch phục vụ ăn uống không tốt khiến khách không hài lòng, họ quay sang mong doanh nghiệp lữ hành thông cảm. Tuy nhiên, khách bỏ tiền ra sử dụng dịch vụ lại không thông cảm được cho doanh nghiệp lữ hành, khiến doanh nghiệp lữ hành mất khách. Điều đó là lo ngại của những công ty lữ hành”, ông Tú trăn trở.

Thời gian qua, Sở Du lịch tổ chức nhiều chuyến khảo sát, đưa doanh nghiệp lữ hành đến các điểm du lịch ở các địa phương nhằm giúp địa phương quảng bá, kết nối doanh nghiệp. Song, chừng đó vẫn còn chưa đủ bởi tiềm năng và số lượng các điểm du lịch khá lớn, thời gian trải nghiệm lại có hạn. Do vậy, chính quyền các địa phương, phòng văn hóa - thông tin các huyện, thị xã và chi hội du lịch cộng đồng cần chủ động làm tốt hơn nữa khâu liên kết, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp lữ hành và điểm đến.

Các địa phương cần nghiên cứu, cùng doanh nghiệp để đưa ra các ý tưởng mới về các trải nghiệm; gắn với đời sống, sinh hoạt, nét đặc trưng của mỗi địa phương, từ đó liên kết các điểm đến, xây dựng chuỗi các hoạt động trải nghiệm sâu cho du khách. Phải xây dựng được một câu chuyện du lịch riêng biệt mà chỉ tới địa phương đó, khách mới được khám phá.

Các địa phương cũng cần quan tâm nguồn lực để đầu tư hạ tầng; quảng bá, truyền thông về điểm đến, bồi dưỡng nhằm tăng tính chuyên nghiệp cho những người làm du lịch tại địa phương.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/du-lich/ket-noi-cac-tuyen-diem-phat-trien-du-lich-149089.html