Kết nối, chia sẻ vì mục tiêu chung của khu vực
Từ ngày 4 đến 6/6/2024, Hải quan Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33. Để biết thêm chi tiết về nội dung này, TBTCVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan).
PV: Thưa bà, hợp tác hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và duy trì Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Xin bà điểm qua một số nét chính trong kết quả hợp tác, hội nhập trong ASEAN theo các nhóm công việc của Tổng cục Hải quan thời gian qua?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Phải nói đến đầu tiên chính là Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN). Đây là danh mục hàng hóa ở cấp độ 8 chữ số được hải quan các nước ASEAN sử dụng và xây dựng dựa trên Danh mục HS của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Hiện nay, các nước ASEAN đã triển khai thực hiện Danh mục AHTN phiên bản 2022. Đây là nội dung được các nước ASEAN thực hiện đồng bộ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu thực hiện theo đúng mã số hàng hóa theo phiên bản AHTN này.
Thứ hai là Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS). Thông qua một thủ tục hải quan chung, ACTS cho phép DN vận chuyển hàng hóa tự do qua các quốc gia thành viên ASEAN. Số lượng lô hàng quá cảnh được thực hiện thủ tục hải quan thông qua hệ thống ACTS gia tăng theo từng năm, chủ yếu từ Singapore, Malaysia, Thái Lan và Campuchia.
Thứ ba là Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên (AEO) trong ASEAN (AAMRA). Thỏa thuận đã được 10 nước ASEAN ký kết và có hiệu lực từ ngày 19/9/2023. Việc thực hiện được thực hiện theo lộ trình phù hợp với trình độ phát triển của từng quốc gia. Khi thực hiện thỏa thuận, các DN ưu tiên ở nước này sẽ được ưu tiên khi làm thủ tục ở các nước khác trong nội khối.
Thành phần tham dự Hội nghị Tổng cục trưởng hải quan ASEAN
Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 sẽ đón 10 đoàn hải quan các nước ASEAN, Hải quan Timor Lester tham dự với vai trò quan sát viên và Ban Thư ký ASEAN. Các lãnh đạo cấp cao của cơ quan hải quan các nước đối tác và tổ chức quốc tế gồm Tổ chức Hải quan thế giới, hải quan các nước: Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Khu vực tư nhân gồm: Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN, Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ và Hội đồng Kinh doanh ASEAN - EU.
Thứ tư là hợp tác kiểm soát, thực thi tuân thủ hải quan. Trong khối ASEAN đã triển khai nhiều chiến dịch kiểm soát những mặt hàng có nhiều rủi ro về buôn lậu gian lận thương mại như ma túy, động vật hoang dã, thuốc lá… Mỗi năm, các nước sẽ thống nhất đưa ra các nhóm mặt hàng nguy cơ cao để thực hiện kiểm soát. Các chương trình hợp tác được triển khai hiệu quả nhằm kết nối đầu mối về kiểm soát của các cơ quan hải quan trong nội khối và cũng nền tảng để trao đổi thông tin với mục tiêu chia sẻ nhanh nhất với quốc gia là điểm đến của hàng hóa nhanh nhất để kịp thời kiểm soát tốt nhất.
Về xây dựng năng lực, phát triển nguồn nhân lực, các nhóm công tác hải quan ASEAN thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo nâng cao năng lực thông qua sự hỗ trợ của các nước thành viên ASEAN, đối tác đối thoại và khu vực tư nhân. Nhiều hội thảo khu vực để đẩy mạnh xây dựng năng lực của cán bộ hải quan ASEAN được tổ chức trong thời gian vừa qua, với sự hỗ trợ của đối tác đối thoại, các nước thành viên ASEAN và Hội đồng Kinh doanh ASEAN.
Ngoài ra, một nội dung hợp tác về nghiệp vụ được cho là khá hiệu quả là trao đổi thông tin, chứng từ điện tử qua Cơ chế một cửa ASEAN (ASW). Hiện nay, chứng nhận xuất xứ mẫu D (C/O Form D) đã trao đổi điện tử hoàn toàn từ tháng 1/2024. Sắp tới, việc trao đổi chứng từ điện tử sẽ được triển khai với một số đối tác đã ký hiệp định thương mại tự do với ASEAN như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ.
PV: Đầu tháng 6, Hải quan Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33. Xin bà cho biết, các đại biểu tham dự hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận những vấn đề gì?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Hội nghị dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày, thảo luận 12 nội dung thuộc chương trình nghị sự, tập trung vào các nội dung bao gồm: thảo luận để thống nhất các chương trình, giải pháp, tiếp tục thực hiện, hoàn thành các mục tiêu xác định tại các kế hoạch Chiến lược phát triển hải quan ASEAN giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, một số nội dung ưu tiên được tập trung vào là: trao đổi chứng từ điện tử qua Một cửa ASEAN; triển khai Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS); lộ trình triển khai Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên trong ASEAN…
PV: Vậy, vai trò của Hải quan Việt Nam được thể hiện như thế nào trong việc đăng cai tổ chức hội nghị lần này?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Hải quan Việt Nam đã từng đăng cai tổ chức thành công 3 Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN vào các năm 1995, 2004 và 2014. Vì vậy, Hải quan Việt Nam càng nỗ lực chuẩn bị kỹ càng hơn để tổ chức thành công hội nghị lần thứ 4 và các cuộc họp của Ủy ban Điều phối hải quan, các nhóm làm việc kỹ thuật trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Hải quan Việt Nam từ tháng 6/2024 đến tháng 6/2025, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Trong vai trò Chủ tịch Hải quan ASEAN nhiệm kỳ 2024 - 2025, Hải quan Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành trách nhiệm trong việc tích cực điều phối, thúc đẩy các nước triển khai đúng tiến độ, lộ trình đã định với các nội dung ưu tiên về một cửa, quá cảnh và công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên; khuyến khích các nước tăng cường trao đổi, cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong quá trình thực tế triển khai, thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan hải quan thành viên.
Bên cạnh đó, tích cực điều phối, phối hợp cùng Ban Thư ký ASEAN trao đổi, tham vấn với các đối tác, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ phù hợp trong triển khai các sáng kiến hoạt động của Hải quan ASEAN, đặc biệt là đối với những nội dung mới nổi liên quan đến quản lý hải quan.
PV: Xin cảm ơn bà!