Kết nối chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản Việt Nam - Nhật Bản
Với lợi thế của Việt Nam và sự hỗ trợ kỹ thuật của Nhật Bản, Việt Nam có thể trở thành cường quốc về nông nghiệp.
“Từ việc chỉ biết trồng rau mang ra chợ bán, đến việc nông dân có thể tự thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm của mình đưa lên kệ hàng của chuỗi siêu thị AEON Mall - một trong những chuỗi siêu thị phục vụ khách hàng cao cấp nhất của Thủ đô, đó là minh chứng sống động nhất cho giá trị của kết nối chuỗi cung ứng đáp ứng nhu cầu thị trường. Với sự hợp tác của các đối tác Nhật Bản, chúng ta có thể làm được nhiều hơn nữa, đặc biệt là nông dân Việt Nam có đủ tự tin đưa sản phẩm nông sản của mình vào thị trường Nhật Bản cũng như ra thế giới”.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Diễn đàn Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam - Nhật Bản “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng thị trường”.
Diễn đàn do Vụ Hợp tác quốc tế và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Dự án Xúc tiến đầu tư nông nghiệp Nhật Bản (ABJD), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tại Trung tâm thương mại AEON Long Biên (Hà Nội) ngày 22/11.
Sự kiện nhằm giới thiệu các sản phẩm, công nghệ mới và vai trò của hoạt động khuyến nông trong hợp tác kinh doanh nông nghiệp của Nhật Bản. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, các hợp tác xã bàn về những giải pháp cung ứng nông sản Việt Nam cho chuỗi siêu thị AEON Mall, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương nông sản giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển, có nền nông nghiệp hiện đại và có nhiều lợi thế trong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Mặc dù vậy, nông nghiệp Nhật Bản mới chỉ đáp ứng được trên 45% nhu cầu tiêu dùng trong nước và hàng năm vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Đây được coi là lợi thế của Việt Nam để mở rộng xuất khẩu hàng hóa nông sản vào Nhật Bản.
Hiện nhóm hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản chỉ dừng lại ở 6 nhóm chính, trong khi một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như gạo, chè, sản phẩm chăn nuôi vẫn chưa có cơ hội xuất khẩu và tiến sâu vào thị trường Nhật Bản. Tính chung giá trị xuất khẩu nông sản chỉ chiếm chưa tới 2% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản. Như vậy, tiềm năng xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Nhật Bản tương đối lớn.
Phát biểu tại sự kiện, ông Ito Naoki - Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh: “Nông nghiệp là lĩnh vực Việt Nam và Nhật Bản có thế mạnh hợp tác. Hy vọng với lợi thế của Việt Nam và sự hỗ trợ kỹ thuật của Nhật Bản thông qua Dự án Xúc tiến đầu tư nông nghiệp Nhật Bản (ABJD) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Việt Nam có thể trở thành cường quốc về nông nghiệp. Hiện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang triển khai hệ thống khuyến nông cộng đồng. Qua đây kỹ thuật sẽ được chuyển giao tới từng hộ sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam”.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hợp tác nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam - Nhật Bản hướng đến chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng mạng lưới kết nối, tạo dựng một hệ thống thông tin liên lạc hiệu quả giữa nông dân, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng; ứng dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối nông sản, bao gồm việc sử dụng phần mềm quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ blockchain để theo dõi sản phẩm từ nông trại đến tay người tiêu dùng, hay các ứng dụng di động để kết nối nông dân với thị trường.
Cùng với đó là việc đào tạo và nâng cao nhận thức cho nông dân về quy trình sản xuất hiện đại, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và cách thức tiêu thụ hiệu quả. Đồng thời tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản Việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh.
“Thông qua các giải pháp này, chúng ta có thể tăng cường sự kết nối trong chuỗi cung ứng nông sản, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường và phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại diện đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở ban ngành địa phương, HTX nông nghiệp, tổ khuyến nông cộng đồng và các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã chia sẻ nhiều vấn đề như: vai trò của chuỗi giá trị trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam; các rào cản chính đối với phát triển chuỗi giá trị tại Việt Nam; chiến lược và chính sách của ngành nông nghiệp để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị…
Bên lề hội thảo cũng diễn ra các hoạt động giới thiệu về sản phẩm nông nghiệp của các nhà sản xuất trong nước; triển lãm các sản phẩm, công nghệ mới phục vụ nông nghiệp của doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.
Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện đã có 5 biên bản ghi nhớ được ký kết, trong đó có Biên bản ghi nhớ về nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho người nông dân giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty AEON TOPVALU Việt Nam; Biên bản ghi nhớ giữa Công ty TNHH Sinh hóa Maruwa (MBC) và Công ty CP Chè Cờ Đỏ Mộc Châu; Biên bản ghi nhớ về xúc tiến thương mại giữa Công ty TNHH Next Farm và Công ty CP Ameii Việt Nam; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam; Biên bản ghi nhớ giữa Dự án Xúc tiến Đầu tư Nông nghiệp Nhật Bản (ABJD) và Diễn đàn nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (VJAT).
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ket-noi-chuoi-cung-ung-tieu-thu-nong-san-viet-nam-nhat-ban/354261.html