Kết nối cung – cầu lao động tại các tỉnh phía nam hậu COVID-19
Kết nối với địa phương để nắm bắt nhu cầu của người lao động (NLĐ), có chính sách đãi ngộ tốt khi NLĐ quay trở lại làm việc, hỗ trợ tiền nhà trọ, nhu yếu phẩm…là những giải pháp trước mắt thu hút người lao động quay trở lại làm việc, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại các tỉnh phía nam.
Đây là những nội dung được các đại biểu bộ, ngành, địa phương và DN trao đổi tại buổi tọa đàm trực tuyến "Nguồn nhân lực lao động cho TPHCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch" do Báo Người Lao Động tổ chức chiều 1/10.
Phối hợp đón lao động quay lại làm việc, tiêm đủ 2 mũi vaccine
Trong tháng 8 và tháng 9/2021 vừa qua, tại TPHCM và các tỉnh lân cận hàng trăm nghìn công nhân, NLĐ ở các nhà máy, xí nghiệp, công trường do mất việc làm, giảm thu nhập, bất an với dịch bệnh và đời sống thường ngày bấp bênh đã về quê. Sự dịch chuyển này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đáp ứng đơn hàng của các doanh nghiệp còn duy trì sản xuất lớn ở các khối, ngành và các doanh nghiệp sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”.
Chia sẻ thêm về tình hình lao động tại các KCN-KCX, ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho biết, đầu năm 2021, tổng số lao động làm việc trong các KCX-KCN tại TPHCM là 288.000 người. Khi dịch bệnh bùng phát và phải thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" thì chỉ có 720 DN thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" với 64.000 NLĐ tham gia.
Tính đến thời điểm này, các DN sản xuất '3 tại chỗ' hay '1 điểm đến 2 cung đường' cũng gặp khó khăn vì chi phí quá lớn. Tất cả các DN đang muốn mở cửa hoạt động nhưng gặp khó khăn về nguồn cung lao động và nguồn cung nguyên vật liệu do đứt gãy nguồn cung.
Thống kê của Hepza cho thấy, có khoảng 31.000 lao động làm việc tại các KCX-KCN của TPHCM đã về quê, trong đó chủ yếu là những NLĐ về các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu... “Như vậy, với khoảng cách địa lý không quá xa, khả năng số lao động này quay lại làm việc là khả quan”, ông Phạm Thanh Trực đánh giá.
Còn tại Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, Bình Dương có thể thiếu hụt 40.000-50.000 lao động. Bình Dương hiện có khoảng 1,2 triệu lao động làm việc tại hơn 50.000 doanh nghiệp. Thời gian qua, chỉ có khoảng 250.000 lao động làm việc “3 tại chỗ”, như vậy khoảng 950.000 người phải ngừng việc.
Tín hiệu đáng mừng là đã có 242.000 NLĐ trong các KCX-KCN tại TPHCM đã được tiêm vaccine mũi 1 và trên 24.000 NLĐ đã được tiêm mũi 2.
Hepza đang ưu tiên phối hợp với chính quyền TPHCM và các tỉnh, thành phố khác để đón NLĐ quay lại làm việc và cách đưa đón sao cho thuận lợi nhất cho NLĐ. Khi đón về sẽ tổ chức tiêm vaccine mũi 2 cho số lao động này.
Chăm lo tốt để giữ chân NLĐ
Chia sẻ với những khó khăn của DN trong vấn đề tuyển dụng lại lao động, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH Vũ Trọng Bình cho rằng, cả DN và NLĐ đều khó khăn. Tuy nhiên, khi NLĐ quay trở lại, DN cần có chính sách hỗ trợ để NLĐ an tâm làm việc sau khi họ đã cạn kiệt về tài chính do nhiều tháng nghỉ làm. Bộ LĐTB&XH cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu chính sách tạo điều kiện cho DN tiếp cận tín dụng, khuyến khích DN tăng cường đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ sở dạy nghề tập trung đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của DN.
Trao đổi về những giải pháp kết nối cung - cầu lao động, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến nhận định, để khôi phục đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu phải mất từ 3-9 tháng, còn để khôi phục nguồn nhân lực, cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề, lao động kỹ thuật, phụ trách chuyên môn sẽ phải gặp khó khăn hơn và thời gian lâu hơn thế.
Ông Vũ Minh Tiến cho rằng, pháp trước mắt cần tập trung ưu tiên một số nội dung để NLĐ an tâm đi lại, sinh sống và làm việc. Trong đó, quan trọng nhất là tiêm vaccine đầy đủ cho NLĐ. Đồng thời, kết nối với tổ chức công đoàn và chính quyền, đoàn thể ở địa phương nơi cư trú của công nhân lao động vận động lao động quay lại làm việc, phối hợp với địa phương tổ chức đón lao động quay lại làm việc.
“Cùng với đó, DN cần công bố và thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng, làm thêm giờ, phúc lợi, an toàn vệ sinh lao động… cho NLĐ. Có chính sách khuyến khích đặc biệt cho những NLĐ gắn bó với DN lúc khó khăn đặc biệt này”, ông Vũ Minh Tiến khuyến nghị.
Về giải pháp lâu dài, cần quan tâm và bảo đảm tiền lương, phúc lợi và các chế độ, bảo đảm cho NLĐ đủ sống, có tích lũy và phải có tác dụng kích thích, thu hút NLĐ gắn bó lâu dài với DN.
“Tôi cho rằng cần phải quan tâm đặc biệt tới lưới an sinh xã hội, vấn đề việc làm và bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân, trong đó có công nhân lao động. Trong đó, cần thiết kế các chế độ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế”, ông Vũ Minh Tiến đề xuất.
Để chăm lo tốt hơn cho NLĐ, Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM đang phối hợp với Sở LĐTB&XH TPHCM để khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các DN. Ban Quản lý cũng đề xuất với TPHCM về xây dựng nhà lưu trú cho NLĐ, theo hình thức Nhà nước và DN cùng làm. Đây là cơ sở để có thể xác định sống chung với dịch bệnh, giữ chân NLĐ, ổn định sản xuất dài lâu cho DN.
Còn tại Bình Dương, các cơ quan chức năng đã chi hỗ trợ nhà trọ, nhu yếu phẩm cho người dân và công nhân lao động với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng, chi hỗ trợ cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với số tiền khoảng 900 tỉ.
Sắp tới, Bình Dương tiếp tục chi hỗ trợ cho khoảng 300.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là giải pháp bảo đảm cuộc sống cho NLĐ trong điều kiện khó khăn hiện nay, giúp họ gắn bó với doanh nghiệp và gắn bó với địa phương.
Ngoài ra, khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động, tỉnh sẽ triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP về hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho NLĐ, đồng thời chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm kết nối chặt chẽ với DN để NLĐ nhanh chóng tìm được việc làm và giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Khi dịch bệnh được kiểm soát, giao thông được kết nối, tỉnh sẽ kết nối với các tỉnh, thành phố để điều tiết cung cầu lao động giữa các địa phương, bảo đảm vấn đề việc làm cho NLĐ.