Kết nối doanh nghiệp nội - ngoại: Bao giờ hết cảnh 'đường ai nấy bước'?

Động lực để các công ty đa quốc gia toàn cầu gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất vào Việt Nam hiện đã tăng lên. Tuy nhiên, điều băn khoăn là sự kết nối giữa khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với khối nội vẫn còn khá mờ nhạt và lỏng lẻo dù cho có một vài tập đoàn đa quốc gia đã cố gắng cải thiện chuyện này.

Theo số liệu mới đây từ Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 8 tháng năm 2023 đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Việc gia tăng đầu tư sẽ tạo điều kiện phát triển sâu hơn các chuỗi cung ứng, tăng cường khả năng kết nối và vị thế của Việt Nam như một trung tâm thương mại và sản xuất.

Vẫn lo chuỗi cung ứng “khép kín” của khối ngoại

Trong khi đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), kim ngạch xuất khẩu (XK) của khu vực đầu tư nước ngoài trong 8 tháng qua ước đạt gần 165,69 tỷ USD, tuy giảm 11,4% so với cùng kỳ nhưng vẫn chiếm 73,7% tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Và dù kim ngạch XK giảm trong 8 tháng năm 2023, khu vực đầu tư nước vẫn xuất siêu trên 32 tỷ USD (kể cả dầu thô), trong khi khu vực DN trong nước nhập siêu trên 14,7 tỷ USD.

Vẫn lo chuỗi cung ứng “khép kín” của các tập đoàn đa quốc gia khiến cho các DN nội địa khó có cơ hội chen chân.

Nhìn vào những số liệu trên có thể thấy, dường như động lực để các công ty đa quốc gia toàn cầu mở rộng sản xuất vào Việt Nam và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã tăng lên. Không những vậy, các tập đoàn đa quốc gia bị thu hút bởi chi phí cạnh tranh của Việt Nam. Tuy nhiên, điều làm cho dư luận băn khoăn là sự kết nối giữa khối doanh nghiệp FDI với khối nội vẫn còn khá mờ nhạt và lỏng lẻo dù cho có một vài tập đoàn đa quốc gia đã cố gắng cải thiện chuyện này.

Như thông tin mới đưa ra từ một hội thảo về thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho thấy, công nghệ của khối FDI vẫn chưa thể lan tỏa đến khu vực tư nhân trong nước.

Điều này được thể hiện qua dữ liệu từ Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chỉ rõ hầu hết 400 hợp đồng chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam từ tháng 7/2018 đến hết năm 2022 đều là giữa công ty mẹ và công ty con, không có hợp đồng chuyển giao công nghệ với các DN trong nước.

Mối liên kết lỏng lẻo của khối FDI với khối nội cũng có thể thấy ở ngành gỗ. Cách đây 2 năm, các doanh nghiệp FDI sản xuất đồ gỗ đóng góp khoảng 80% tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI thường có chuỗi cung ứng “khép kín”, trong đó các mắt xích trong chuỗi cung ứng (mua sắm đầu vào/nguyên liệu thô, bán hàng...) hoạt động tương đối độc lập với các DN sản xuất đồ gỗ nội thất nội địa.

Trong báo cáo gần đây về Chiến lược xuất khẩu quốc gia Việt Nam về đồ gỗ nội thất, Bộ Công Thương có cho biết là chỉ ghi nhận được một trường hợp về doanh nghiệp FDI mua nguyên liệu (bao gồm cả dịch vụ cưa và sấy) từ một nhà cung cấp gỗ Việt Nam.

Chờ những tín hiệu kết nối rõ rệt hơn

Thực ra, tất cả các DN chế biến gỗ trong nước được phỏng vấn ở nghiên cứu trong báo cáo chiến lược XK nêu trên đều xác nhận rằng họ thiếu kiến thức về toàn bộ chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI.

Hơn nữa, Tổng cục Hải quan và Bộ Kế hoạch & Đầu tư chỉ có thông tin về giá trị đầu tư/xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ. Không có thông tin chi tiết về trình độ công nghệ, người sử dụng lao động, nguyên liệu đầu vào (khối lượng, giá trị, nguồn gốc)...

Cũng theo báo cáo nêu trên, các doanh nghiệp FDI chủ yếu liên lạc với nhau thông qua Phòng Thương mại của họ và nhìn chung không phải là thành viên chính thức của hiệp hội gỗ, mặc dù không có quy định nào ngăn cản họ trở thành thành viên.

Không những vậy, một số doanh nghiệp FDI là thành viên của hiệp hội gỗ địa phương nhưng vai trò của họ chỉ hạn chế trong việc cập nhật thông tin cho Chính phủ về hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, theo giới chuyên gia, nếu có sự tăng cường sự phối hợp giữa các DN nhỏ và vừa trong nước với các doanh nghiệp FDI sẽ mang lại cơ hội lớn về sản xuất đồ nội thất có giá trị gia tăng cao, từ đó có thể giúp DN nhỏ và vừa của Việt Nam trở thành DN xuất khẩu đồ nội thất vững vàng hơn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Hoặc như ở ngành điện tử. Theo nhận định mới đây của Tổng cục Thống kê, mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong XK, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp FDI.

Thực tế cho thấy các “ông lớn” FDI trong lĩnh vực điện tử vẫn tiếp tục chuyển giao một số khâu sản xuất vào Việt Nam nhưng là giữa công ty mẹ và công ty con. Còn sự tham gia của DN Việt vào chuỗi cung ứng điện tử của khối ngoại còn rất hạn chế.

Chẳng hạn chuỗi cung ứng của Apple, theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), mặc dù họ đã chuyển sản xuất sang Việt Nam, thực hiện lắp ráp iPad, laptop tại Việt Nam. Họ 'bê' toàn bộ chuỗi cung ứng từ Đài Loan, Trung Quốc sang, chứ không dùng DN Việt.

Nói chung, ngoài việc là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp FDI thì Việt Nam sẽ còn nhiều việc phải làm để có những bước cải thiện rõ rệt hơn trong hoạt động kết nối chuỗi cung ứng, chuyển giao công nghệ giữa khối ngoại và khối nội.

Ngoài ra, song song với việc gia tăng kết nối, theo nhóm nghiên cứu của RMIT gồm Ts. Hà Thị Cẩm Vân và Ts. Daniel Borer, để bảo vệ môi trường của Việt Nam và tăng cường sản xuất bền vững thì các doanh nghiệp FDI mới cần phải đáp ứng được những tiêu chí tối thiểu.

“Các nền kinh tế khác trong khu vực sẽ dễ dàng chuyển hoạt động sản xuất gây ô nhiễm của họ sang Việt Nam, nhưng chúng ta không nên hoặc không thể dễ dàng chấp nhận. Chúng ta cần thay đổi tư duy - mọi FDI chảy vào Việt Nam đều phải tốt. Nền kinh tế Việt Nam, bao gồm cả hoạt động sản xuất của các nhà sản xuất nước ngoài tại Việt Nam, cần trở nên xanh hơn”, nhóm nghiên cứu này nhấn mạnh.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/ket-noi-doanh-nghiep-noi-ngoai-bao-gio-het-canh-apos-duong-ai-nay-buoc-apos-1095221.html