Kết nối gia đình đẩy lùi bạo lực
Một gia đình hạnh phúc sẽ gắn liền với sự san sẻ, đồng cảm, cùng nhau vun vén của các thành viên. Để đẩy lùi bạo lực gia đình, hiện nay, sự kết nối của các thành viên trong gia đình có vai trò rất quan trọng.
Người bị bạo lực gia đình có thể là bất cứ ai
Vào đầu năm 2025, câu chuyện một nữ nhân viên ngân hành bị “đánh ghen”, xúc phạm khiến cho cộng đồng có nhiều ý kiến trái chiều. Chị H.N.B.T (sinh sống tại Cần Thơ) nghi ngờ chồng mình có quan hệ bất chính với nữ nhân viên ngân hàng là chị N.N.N (30 tuổi, sống tại Cần Thơ). Khi bắt gặp chồng đang đi cùng chị N, chị T đã có lời nói xúc phạm nhân phẩm cả người chồng và chị N. Sau đó, do không làm chủ được cảm xúc chị T đã có hành vi bạo lực với chị N và cả chồng của mình. Chị N sau đó được đưa đến bệnh viện để kịp thời điều trị.
Khi các cơ quan chức năng điều tra và làm việc với chị T, chị T thừa nhận không có chứng cứ xác thực việc chồng mình và chị N có mối quan hệ bất chính. Chị T chấp nhận xin lỗi, đền bù thiện hại cả về tinh thần, thể chất cho chị N.
Một câu chuyện khác xảy ra tại TP HCM vào cuối năm ngoái, khiến cho cộng đồng không khỏi đau lòng, bức xúc. Đó là sự ra đi của em H.T.A (5 tuổi, sống tại TP HCM). Cụ thể, H.T.A có ba chị em, A là con giữa. Từ nhỏ A và em gái đã không sống cùng bố mẹ mà được họ hàng, ông bà nuôi dưỡng. Sau này, bố mẹ ly hôn, A cùng chị gái ở với mẹ.
Em thường xuyên bị mẹ sử dụng muỗng, đũa... đánh liên tục vào cơ thể. Thậm chí, A còn bị mẹ dội nước sôi vào người, khiến cho thân thể em có rất nhiều thương tích. Đỉnh điểm, vào 5h ngày 13/10, bà G (mẹ của A) đến Công an phường 9, quận 4 trình báo con gái bà là H.T.A. (5 tuổi) đã tử vong khi đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa quận 4 rạng sáng cùng ngày.
Bà G cho biết, khoảng 2h bà ngủ với con gái lớn là H. (7 tuổi) thì H nói đói bụng nên bà lấy sữa cho H uống. Bà đi xuống nhà thì thấy A nằm ở bậc cầu thang. Em A đã qua đời, sau khi được khám nghiệm tử thi cho thấy trên thân thể của em có nhiều vết thương do bị bạo hành lâu ngày. A ra đi để lại nỗi đau, sự day dứt khôn nguôi cho người bố và chị em của mình.
Thực tế, tình trạng bạo lực gia đình xảy ra tại Việt Nam vẫn còn có tỷ lệ tương đối cao. Theo báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 của Chính phủ, năm 2023, cả nước có hơn 3 nghìn hộ xảy ra bạo lực gia đình với gần 4 nghìn vụ. Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục. Có 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình, gồm có 2.628 nữ và 565 nam.
Hiện nay, người bị bạo lực gia đình có thể là bất cứ ai từ phụ nữ đến đàn ông, từ người già tới trẻ em đều có thể trở thành nạn nhân.
Nhân rộng mô hình kết nối gia đình để nói không với bạo lực
Tháng 6 vừa qua, tại Hà Nội, trong buổi lễ phát động với thông điệp: “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”, ông Phạm Xuân Tài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh, bạo lực gia đình không chỉ là vấn đề riêng của từng nhà, mà đã trở thành mối lo ngại của toàn xã hội. Bạo lực gia đình đã để lại những tổn thương nghiêm trọng về danh dự, nhân phẩm, thậm chí tính mạng, đặc biệt đối với người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người già. Không dừng lại ở nỗi đau cá nhân, bạo lực còn âm thầm hủy hoại nền tảng đạo đức, văn hóa, là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của nhiều mái ấm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và làm mất đi sự an toàn trong cộng đồng.
Hiện nay, để giữ gìn hạnh phúc, đẩy lùi bạo lực gia đình, các tỉnh, địa phương có những chương trình, mô hình kết nối vợ chồng, giúp đỡ họ có cuộc sống văn minh, lành mạnh. Ví dụ như dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố, ngành Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều chính sách thiết thực như: Giảm nghèo, tạo việc làm, chăm lo gia đình chính sách, vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định; trẻ em và người cao tuổi được bảo vệ, chăm sóc tốt hơn.
Tại tỉnh Tây Ninh, mỗi xã có những mô hình thúc đẩy gắn kết vợ chồng, phòng, chống bạo lực gia đình. Ở xã Thanh Điền (sau sáp nhập đã đổi tên thành phường Thanh Điền), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tại đây đã phối hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ cưới miễn phí cho các cặp vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm sẻ chia, động viên tinh thần cho các gia đình, đồng thời lan tỏa các giá trị nhân văn trong cộng đồng. Các cặp đôi được chọn là những đôi vợ chồng đã đăng ký kết hôn, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không thể tổ chức đám cưới.
Lễ cưới 0 đồng được thực hiện với sự chung tay của các mạnh thường quân và chính quyền địa phương. Các cặp vợ chồng được hỗ trợ toàn bộ chi phí: trang điểm, trang phục cưới, không gian tổ chức tiệc và 20 bàn tiệc chiêu đãi. Ngoài ra, mỗi cặp đôi còn được tặng nhẫn cưới, bông tai và nhiều phần quà ý nghĩa từ Hội LHPN tỉnh Tây Ninh và mạnh thường quân. Tổng kinh phí chương trình hơn 100 triệu đồng.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ket-noi-gia-dinh-day-lui-bao-luc.html