Sức khỏe các bệnh nhân cấp cứu sau ăn tiết canh lợn ở Hưng Yên giờ ra sao?
Sau khi được điều trị tích cực tại Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, ba bệnh nhân trong chùm ca bệnh nguy kịch do ăn tiết canh lợn ở Quỳnh Phụ, Hưng Yên hiện sức khỏe tốt hơn, có người đã được ra viện.
Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai thông tin, ngày 11/7, tại đây tiếp nhận 3 ca bệnh, trong đó có 1 trường hợp nguy kịch co giật, lú lẫn phải thở máy chuyển đến từ BVĐK tỉnh Thái Bình.

Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh lợn ở Hưng Yên đang được điều trị tại BV Bạch Mai.
Thông tin từ bệnh nhân và người nhà, các trường hợp này đều ăn tiết canh lợn vào sáng 6/7 cùng với bạn tại 3 quán ăn gần nhau và đều lấy nguồn lợn từ một lò mổ. Trước đó, đã có 2 trường hợp tử vong tại cơ sở y tế với biểu hiện ban đầu sốt, đi ngoài phân lỏng.
Ngày 16/7, đại diện Sở Y tế Hưng Yên thông tin về vụ việc khiến nhiều người nhập viện sau khi ăn tiết canh.
Sự việc xảy ra ngày 5 và 6/7, khi 17 người dân tại thôn An Vị và Đồng Kỷ ăn tiết canh lợn tại ba quán ăn gần nhau ở thôn Đồng Kỷ, xã Quỳnh An. Sau đó, 6 người phải điều trị tại các bệnh viện Hưng Yên và Hà Nội do có triệu chứng bất thường. Đến ngày 8/7, hai trường hợp tử vong.
Các nạn nhân thiệt mạng là nam, 51 tuổi và 55 tuổi, đều có biểu hiện sốt cao, đau đầu và rối loạn tiêu hóa.
ThS. BS. Hoàng Quốc Thái Bình, Khoa Hồi sức tích cực, Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh nhân nặng nhất (63 tuổi) lúc chuyển đến Viện đã được đặt ống thở, hôn mê sâu, co giật. Thăm khám ban đầu nhận thấy bệnh nhân có tình trạng nhiễm khuẩn, trên da có đám xuất huyết, nghi ngờ là do ăn tiết canh nhiễm liên cầu lợn.
Bệnh nhân được lấy dịch não tủy xét nghiệm và cấy dịch não tủy... cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn. Sau 36 giờ hồi sức tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo và được rút ống thở.
Hai trường hợp còn lại nhẹ hơn, tuy nhiên hiện vẫn còn di chứng: tai nghe kém, mắt mờ...
PGS. TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai nhấn mạnh: "Liên cầu khuẩn lợn (tên khoa học là Streptococcus suis) là vi khuẩn nguy hiểm lây từ lợn sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn tiết canh, gây nên bệnh cảnh nhiễm trùng huyết, viêm màng não và suy đa tạng với tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đặc biệt, vi khuẩn này không có vaccine phòng ngừa. Cách duy nhất để tránh mắc bệnh là không ăn tiết canh và các thực phẩm từ thịt lợn sống hoặc chưa nấu chín".
Ông Cường cảnh báo, không chỉ tiết canh lợn, ngay cả tiết dê, tiết ngan vịt nếu được pha thêm tiết canh lợn, người ăn cũng rất dễ nhiễm bệnh.
"Việc sử dụng tiết canh, thịt lợn sống, thịt tái, nem chua, thực phẩm không được nấu chín kỹ là nguồn cơn dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm. Nguy cơ không chỉ dừng ở liên cầu khuẩn lợn mà còn là các loại giun sán, vi khuẩn tạp khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Bởi vậy, tập quán ăn uống này cần được loại bỏ", PGS. TS Cường nhấn mạnh.