Kết nối giao thương doanh nghiệp Huế với nhà phân phối TP. Hồ Chí Minh

Nhằm mở rộng dư địa phát triển cho thành phố và các địa phương, TP. Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác kinh tế - xã hội với nhiều vùng kinh tế trên cả nước; trong đó, có các tỉnh, thành Bắc Trung Bộ.

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Huế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Huế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Ngày 23/5, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Huế phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp thành phố Huế với các nhà phân phối TP. Hồ Chí Minh.
Đây là một trong những hoạt động hiện thực hóa thỏa thuận hợp tác kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành trên cả nước. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Huế gặp gỡ, kết nối với các tập đoàn bán lẻ, hệ thống phân phối, xuất khẩu và đầu mối tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng, các tỉnh phía Nam nói chung. Từng bước hình thành và mở rộng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của thành phố Huế với các đối tác trong nước và xuất khẩu.

Đại diện đơn vị thu mua thông tin về nhu cầu hàng hóa tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Đại diện đơn vị thu mua thông tin về nhu cầu hàng hóa tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Huế cho biết: Thành phố Huế không chỉ là một vùng đất giàu giá trị văn hóa và lịch sử mà còn là nơi hội tụ của những sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đặc trưng, tinh tế, mang đậm bản sắc địa phương. Những năm gần đây, Huế đã và đang nỗ lực đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng thiết thực, đồng hành cùng doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.
Tham gia hội nghị kết nối giao thương tại TP. Hồ Chí Minh, thành phố Huế có hơn 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, giới thiệu nhiều sản phẩm đặc trưng, phản ánh sinh động năng lực sản xuất, sự sáng tạo và tinh thần hội nhập của doanh nghiệp Huế.
Nhóm sản phẩm nông nghiệp – thực phẩm đặc sản có trà thảo mộc cung đình, bánh ép Huế, mật ong rừng, cà phê muối, các sản phẩm từ sen Huế; sản phẩm OCOP và công nghiệp nông thôn tiêu biểu có mây tre đan Bao La, dầu tràm, gia vị bún bò Huế, áo dài, hoa giấy, hương trầm Huế.

Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm chế biến sâu, thân thiện với môi trường như sợi mì hữu cơ bột chuối, bánh sen Huế. Tất cả các sản phẩm này không chỉ đảm bảo chất lượng, mang đậm bản sắc Huế mà còn có mẫu mã bao bì có tính thẩm mỹ cao, đầy đủ hồ sơ pháp lý, sẵn sàng để mở rộng tiêu thụ tại các hệ thống phân phối lớn.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC thông tin: Nhằm mở rộng dư địa phát triển cho thành phố và các địa phương, TP. Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác kinh tế - xã hội với nhiều vùng kinh tế trên cả nước; trong đó, có các tỉnh, thành Bắc Trung Bộ. Thời gian qua ITPC tích cực triển khai các chương trình nhằm tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tổ chức tuần lễ trưng bày sản phẩm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản của các vùng và địa phương.
Theo bà Hồ Thị Quyên, sản phẩm của thành phố Huế tham gia chương trình kết nối giao thương sẽ được trưng bày tại showroom Xuất khẩu trong 3 ngày. Thời gian này, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể trực tiếp giao lưu với khách tham quan, người tiêu dùng, hệ thống thu mua để nắm bắt xu hướng thị trường và các tiêu chuẩn đưa hàng vào kênh phân phối.
Từ đó, tạo nên những mối quan hệ hợp tác sản xuất – tiêu thụ hiệu quả; đưa sản phẩm đặc sắc của Huế trong đến gần hơn với người tiêu dùng khu vực phía Nam cũng như xuất khẩu. Thời gian tới ITPC tiếp tục tập trung triển khai phối hợp và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác với các địa phương; phát huy vai trò đầu mối tiêu thụ các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của các vùng trên khắp cả nước.

Đơn vị sản xuất giới thiệu sản phẩm đến khách tham quan tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Đơn vị sản xuất giới thiệu sản phẩm đến khách tham quan tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Ông Đặng Quốc Viết Bảo, Đại diện Công ty Viết Bảo QB chia sẻ, nhiều người biết đến cố đô Huế với nhiều di sản nhưng các sản phẩm truyền thống, sản phẩm làng nghề Huế vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trên thị trường. Bên cạnh sản phẩm áo dài khá nổi tiếng, Huế còn có nhiều làng nghề làm nón, làng nghề dệt khăn của bà con dân tộc thiểu số vùng cao A Lưới. Vì vậy, khi đến với hội nghị kết nối giao thương tại TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp mong muốn giới thiệu những sản phẩm thủ công chất lượng, có tính thẩm mỹ cao, ứng dụng được vào đời sống hàng ngày.
Theo ông Đặng Quốc Viết Bảo TP.Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế và tiêu dùng lớn nhất cả nước, cũng là địa điểm thu hút lượng lớn khách du lịch tỏng và ngoài nước. Việc kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm của thành phố Huế tại TP. Hồ Chí Minh cơ hội quan trọng để các sản phẩm đặc trưng của Huế tiếp cận hiệu quả hơn với người tiêu dùng phía Nam, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng rộng lớn và bền vững hơn.

Đại biểu tham quan sản phẩm đặc trưng thành phố Huế được giới thiệu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Đại biểu tham quan sản phẩm đặc trưng thành phố Huế được giới thiệu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Trà My, Giám đốc Công ty TNHH sản phẩm thiên nhiên Trà My nhấn mạnh: Doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp quy mô nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận kênh phân phối hiện đại. Sản phẩm của làng nghề thủ công được các nghệ nhân làm rất tỉ mỉ, dành nhiều công sức và tâm huyết nhưng lại khó cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt. Chưa kể các yêu cầu về chứng nhận, tiêu chuẩn, chi phí thuê quầy kệ giới thiệu sản phẩm cũng vượt quá khả năng tài chính của họ.
Vì vậy, song song với các đầu mối thu mua phân phối quy mô lớn, nhiều sản phẩm đặc trưng của Huế cũng mong muốn tiếp cận hệ thống các cửa hàng nhỏ chuyên sản phẩm organic, đồ thủ công, cửa hàng mẹ và bé… để phù hợp với năng lực sản xuất, có điều kiện mở rộng thị trường, duy trì sinh kế lâu dài cho người dân địa phương.

Xuân Anh/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ket-noi-giao-thuong-doanh-nghiep-hue-voi-nha-phan-phoi-tp-ho-chi-minh/374593.html